Người đứng đầu cơ quan thực hiện đánh giá viên chức vào những trường hợp nào?
Người đứng đầu cơ quan thực hiện đánh giá viên chức vào những trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 41 Luật Viên chức 2010 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định như sau:
Nội dung đánh giá viên chức
1. Việc đánh giá viên chức được xem xét theo các nội dung sau đây:
a) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
b) Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể;
c) Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp;
d) Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức;
đ) Việc thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, viên chức quản lý còn được đánh giá theo các nội dung sau đây:
a) Năng lực quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ;
b) Kế hoạch làm việc theo năm, quý, tháng và kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý; việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách. Mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách.
3. Việc đánh giá viên chức được thực hiện như sau:
a) Đánh giá hàng năm; đánh giá trước khi kết thúc thời gian tập sự, ký kết tiếp hợp đồng làm việc, thay đổi vị trí việc làm; đánh giá trước khi xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch;
b) Căn cứ vào đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức ban hành hoặc giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp sử dụng viên chức ban hành quy định đánh giá viên chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, định lượng bằng kết quả, sản phẩm cụ thể; kết quả đánh giá là căn cứ để thực hiện đánh giá viên chức quy định tại điểm a khoản này.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, người đứng đầu cơ quan thực hiện đánh giá viên chức vào những trường hợp sau:
- Đánh giá hàng năm;
- Khi kết thúc thời gian tập sự, ký kết tiếp hợp đồng làm việc, thay đổi vị trí việc làm;
- Khi xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch.
Lưu ý: Tùy vào đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà sẽ đánh giá viên chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, định lượng bằng kết quả, sản phẩm cụ thể.
Người đứng đầu cơ quan thực hiện đánh giá viên chức vào những trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức không giữ chức vụ quản lý như thế nào?
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 90/2020/NĐ-CP, trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức không giữ chức vụ quản lý như sau:
Thứ nhất, viên chức tự đánh giá, xếp loại chất lượng: Viên chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP.
Thứ hai, nhận xét, đánh giá viên chức như sau:
- Tổ chức cuộc họp tại đơn vị nơi viên chức công tác để nhận xét, đánh giá đối với viên chức.
- Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm toàn thể viên chức của đơn vị hoặc toàn thể viên chức của đơn vị cấu thành nơi viên chức công tác trong trường hợp đơn vị có đơn vị cấu thành.
- Viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp, các thành viên tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến, các ý kiến phải được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.
Thứ ba, xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức như sau: Cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng căn cứ ý kiến tại cuộc họp nhận xét, đánh giá quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 90/2020/NĐ-CP quyết định nội dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng đối với viên chức.
Thứ tư, cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức thông báo bằng văn bản cho viên chức và thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi viên chức công tác về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức; quyết định hình thức công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi viên chức công tác, trong đó ưu tiêu áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử.
Viên chức có được khiếu nại về kết quả đánh giá hay không?
Căn cứ theo Điều 44 Luật Viên chức 2010 (có cụm từ bị thay thế bởi điểm b khoản 12 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) được quy định như sau:
Thông báo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức
1. Nội dung đánh giá viên chức phải được thông báo cho viên chức.
2. Kết quả xếp loại chất lượng viên chức được công khai trong đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Nếu không nhất trí với kết quả đánh giá và xếp loại chất lượng thì viên chức được quyền khiếu nại lên cấp có thẩm quyền.
Như vậy, sau khi có kết quả đánh giá nếu viên chức không nhất trí với kết quả đánh giá đó thì viên chức được quyền khiếu nại lên cấp có thẩm quyền.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?
- 6 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày 6 12 năm 2024 vẫn được hưởng nguyên lương đúng không?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?