Nghỉ việc vì hợp đồng lao động vô hiệu từng phần thì có được nhận trợ cấp thôi việc hay không?
Thế nào là hợp đồng lao động vô hiệu từng phần?
Tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Hợp đồng lao động vô hiệu
1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:
a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;
c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
Theo đó, hợp đồng lao động vô hiệu từng phần cũng được hiểu là:
- Hợp đồng có một phần nội dung hợp đồng trái quy định của pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng; hoặc
- Một phần nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật lao động, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể đang áp dụng; hoặc
- Nội dung của hợp đồng lao động hạn chế các quyền khác của người lao động thì phần đó sẽ bị vô hiệu.
Ví dụ như trường hợp hợp đồng lao động có thoả thuận lao động nữ không được mang thai trong thời gian thực hiện hợp đồng hoặc hợp đồng lao động có thoả thuận tiền lương của người lao động thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng nơi người lao động làm việc) thì hợp đồng lao động được coi là vô hiệu từng phần, cụ thể là sẽ bị vô hiệu tại chính điều khoản đó (điều khoản cấm lao động nữ mang thai và điều khoản tiền lương). Các điều khoản khác vẫn có hiệu lực pháp luật.
Nghỉ việc vì hợp đồng lao động vô hiệu từng phần thì có được nhận trợ cấp thôi việc hay không? (Hình từ Internet)
Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần như thế nào?
Tại Điều 9 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần
Việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần, người sử dụng lao động và người lao động tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho phù hợp với thỏa ước lao động tập thể và pháp luật.
2. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên trong thời gian từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi hợp đồng lao động được sửa đổi, bổ sung thì được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng, trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu có tiền lương thấp hơn so với quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì hai bên phải thỏa thuận lại mức lương cho đúng quy định và người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận lại so với tiền lương trong hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để hoàn trả cho người lao động tương ứng với thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu.
3. Trường hợp hai bên không thống nhất sửa đổi, bổ sung các nội dung đã bị tuyên bố vô hiệu thì:
a) Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
...
Theo đó, khi hợp đồng lao động vô hiệu từng phần thì người lao động và người sử dụng lao động phải tiến hành thỏa thuận sửa đổi, bổ sung phần bị vô hiệu cho phù hợp với thỏa ước lao động tập thể và pháp luật.
Trường hợp hai bên không thống nhất sửa đổi, bổ sung các nội dung đã bị tuyên bố vô hiệu thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động.
Nghỉ việc vì hợp đồng lao động vô hiệu từng phần thì có được nhận trợ cấp thôi việc hay không?
Tại điểm c khoản 3 Điều 9 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần
Việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
...
3. Trường hợp hai bên không thống nhất sửa đổi, bổ sung các nội dung đã bị tuyên bố vô hiệu thì:
a) Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của hai bên từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo khoản 2 Điều này;
c) Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định này;
d) Thời gian làm việc của người lao động theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian người lao động làm việc cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.
Theo đó, nếu người lao động phải nghỉ việc vì hợp đồng lao động vô hiệu từng phần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người này.
Thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động nghỉ việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?
- 6 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày 6 12 năm 2024 vẫn được hưởng nguyên lương đúng không?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?