Muốn nghỉ việc trước hạn thì có cần phải có lý do chính đáng hay không?
Muốn nghỉ việc trước hạn thì có cần phải có lý do chính đáng hay không?
Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 (đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2021), chỉ trường hợp ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn mới được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do.
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
...
Từ những quy định nêu trên, có thể thấy rằng, Bộ luật Lao động 2019 không quy định các trường hợp cụ thể người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà cho phép người lao động thực hiện quyền đó bất kì khi nào người lao động muốn.
Chính vì thế, nếu người lao động không còn mong muốn thực hiện công việc hiện tại có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không cần phải đưa ra bất kì lí do nào để chấm dứt.
Tuy nhiên khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, người lao động vẫn cần đảm bảo thời gian báo trước như sau:
- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động từ 12 - 36 tháng.
- Ít nhất 03 ngày đối với hợp đồng lao động dưới 12 tháng.
Muốn nghỉ việc trước hạn thì có cần phải có lý do chính đáng hay không? (Hình từ Internet)
Người lao động nghỉ việc trước hạn có được thanh toán tiền lương hay không?
Tại khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
...
Kể cả khi chấm dứt hợp đồng lao động, tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 cũng nêu rõ về trách nhiệm của người sử dụng lao động
Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
...
Theo đó, dù nghỉ việc trước hạn thì người lao động cũng phải được thanh toán đầy đủ tiền lương cho những ngày đã làm việc.
Thời hạn thanh toán là 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Trong một số trường hợp đặc biệt, thời hạn này được kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Như vậy, người sử dụng lao động không được giam lương của người lao động quá 30 ngày vì lý do người đó nghỉ việc trước hạn hợp đồng.
Người lao động bị bệnh trong thời gian báo trước để nghỉ việc trước hạn thì có được giải quyết chế độ ốm đau hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, thời gian báo trước để nghỉ việc trước hạn vẫn là thời gian làm việc và đóng bảo hiểm bình thường.
Đồng thời, tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau
1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
2. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Như vậy, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có nghĩa vụ phải báo cho công ty trước một khoảng thời gian hợp lý theo quy định pháp luật. Thời gian này người lao động vẫn làm việc và đóng bảo hiểm bình thường.
Do đó, nếu bạn nghỉ ốm đau trong thời gian này vẫn được tính vào thời gian làm việc. Khi nghỉ ốm đau, người lao động vẫn được giải quyết chế độ ốm đau nếu đáp ứng đúng điều kiện và cần có xác nhận của cơ sở y tế.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?
- 6 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày 6 12 năm 2024 vẫn được hưởng nguyên lương đúng không?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?