Mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động bị xử lý như thế nào?
Mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động có được không?
Căn cứ Điều 49 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Hợp đồng lao động vô hiệu
1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:
a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;
c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH năm 2022 về người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động. Theo nội dung công văn này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
...
1. Trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực” theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật Lao động và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 của Bộ luật Lao động đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.
...
Như vậy hành vi mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc trung thực và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động, dẫn đến hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.
Mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động bị xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết thì xử lý như thế nào?
Theo phân tích trên thì hành vi mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động, dẫn đến hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.
Căn cứ Điều 10 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động ký lại hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.
2. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động được ký lại thực hiện như sau:
a) Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động được thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu;
b) Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo khoản 2 Điều 9 Nghị định này;
c) Thời gian người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Trường hợp không ký lại hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì:
a) Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
4. Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Theo đó, khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ do vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết như trên.
Có bị phạt khi mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động không?
Hiện nay, Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động không có quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động.
Tuy nhiên trường hợp người lao động có hành vi mượn chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của người khác để làm hồ sơ giao kết hợp đồng lao động thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm đ khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
...
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả;
c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
d) Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
...
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và điểm đ khoản 4 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều này.
Theo đó người lao động mượn hồ sơ của người khác, cụ thể là Chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để giao kết hợp đồng lao động sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng.
Ngoài ra còn phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?