Lương thử việc có phải trích đóng bảo hiểm xã hội hay không?
Người lao động thử việc nhận mức lương thấp nhất là bao nhiêu?
Tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về tiền lương của người lao động thử việc như sau:
Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Đồng thời, tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về tiền lương thử việc như sau:
Tiền lương thử việc
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Theo quy định trên, người sử dụng lao động và người lao động được quyền thỏa thuận với nhau về mức lương thử việc.
Tuy nhiên, mức lương thử việc tối thiểu người lao động được nhận bằng 85% mức lương chính thức. Đồng thời, người lao động cũng có thể nhận nhiều hơn 85%, lương thử việc cũng có thể bằng 100% mức lương chính thức của công việc đó.
Lương thử việc có phải trích đóng bảo hiểm xã hội hay không? (Hình từ Internet)
Lương thử việc có phải trích đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không?
Tại Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Thử việc
1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.
3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
Hiện nay, các bên có thể thỏa thuận về nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động thay vì ký hợp đồng thử việc.
Trong khi đó, tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
...
Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 ghi nhận người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Do đó, nếu các bên thỏa thuận về thử việc trong hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, thì người lao động sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nói cách khác, người lao động sẽ phải trích một phần lương thử việc để đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đồng nghĩa với việc, khi người lao động ký hợp đồng thử việc thì sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tiền lương thử việc.
Có được thay đổi vị trí thử việc hay không?
Tại Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về vấn đề thay đổi vị trí thử việc như sau:
Thời gian thử việc
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Như vậy, Bộ luật Lao động 2019 hiện hành chỉ quy định được thử việc một lần đối với một công việc mà không cấm thử việc nhiều lần đối với các vị trí, công việc khác nhưng phải đảm bảo điều kiện về thời gian thử việc.
Trong trường hợp, người lao động thử việc chuyển sang một vị trí thử việc khác tại doanh nghiệp nhưng chưa hết thời hạn thử việc đối với công việc cũ, lúc này người sử dụng lao động sẽ cho lao động thử việc ký một hợp đồng mới với công việc mới. Bởi lẽ, Bộ luật Lao động 2019 không cấm thử việc nhiều lần đối với các vị trí khác nhau nhưng vẫn phải đảm bảo thời gian thử việc theo luật quy định.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?