Lương khi được chuyển sang làm công việc khác so với HĐLĐ có cao hơn mức lương hiện tại không?
- Lương khi được chuyển sang làm công việc khác so với HĐLĐ có cao hơn mức lương hiện tại không?
- Bị phạt bao nhiêu tiền khi chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do?
- Người lao động có phải báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ vì không được bố trí đúng công việc không?
Lương khi được chuyển sang làm công việc khác so với HĐLĐ có cao hơn mức lương hiện tại không?
Căn cứ theo Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật này.
Theo đó, người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ và không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Trong trường hợp mức lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.
Như vậy, mức lương người lao động nhận được khi được chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động có thể cao hơn mức lương của công việc cũ hiện hưởng tùy thuộc vào công việc mới. Mức lương công việc mới sẽ đảm bảo không thấp hơn lương tối thiểu vùng và ít nhất bằng 85% tiền lương của công việc cũ.
Lương khi được chuyển sang làm công việc khác so với HĐLĐ có cao hơn mức lương hiện tại không? (Hình từ Internet)
Bị phạt bao nhiêu tiền khi chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do?
Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo hoặc thông báo không rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Lao động;
b) Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;
c) Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do; thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.
...
Theo đó, khi chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do, người sử dụng lao động bị xử phạt với mức như sau:
- Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 7 triệu đối với người sử dụng lao động là cá nhân.
- Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 14 triệu đồng đối với người sử dụng lao động là tổ chức.
(Theo nguyên tắc tổ chức bị phạt với mức tiền gấp đôi so với cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Người lao động có phải báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ vì không được bố trí đúng công việc không?
Căn cứ theo Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
...
Theo đó, trừ trường hợp được chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định, người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước khi không được bố trí theo đúng công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Trong trường hợp được chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định thì người lao động phải đảm bảo thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?