Không lập phương án sử dụng lao động khi sáp nhập doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?
Có bắt buộc phải lập phương án sử dụng lao động khi sáp nhập doanh nghiệp không?
Căn cứ theo Điều 43 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Phương án sử dụng lao động
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã
1. Trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này.
2. Người sử dụng lao động hiện tại và người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm thực hiện phương án sử dụng lao động đã được thông qua.
3. Người lao động bị thôi việc thì được nhận trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật này.
Dựa theo quy định trên, khi sáp nhập doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 Bộ luật Lao động 2019.
Khi phương án sử dụng lao động được thông qua, người sử dụng lao động hiện tại và người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm thực hiện phương án đó.
Như vậy, trường hợp sáp nhập doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động bắt buộc phải lập phương án sử dụng lao động.
Không lập phương án sử dụng lao động khi sáp nhập doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?
Không lập phương án sử dụng lao động khi sáp nhập doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
...
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Cho thôi việc đối với người lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo một trong các trường hợp sau: không trao đổi ý kiến trước với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên; không thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người lao động;
b) Trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mà người sử dụng lao động có một trong các hành vi: không lập phương án sử dụng lao động; lập phương án sử dụng lao động nhưng không đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật hoặc không trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng phương án sử dụng lao động;
c) Sử dụng quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc nhưng không tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
...
Như vậy, trường hợp sáp nhập doanh nghiệp mà người sử dụng lao động không lập phương án sử dụng lao động hoặc lập phương án sử dụng lao động nhưng không đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật hoặc không trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng phương án sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu - 10 triệu đồng.
Tuy nhiên đây chỉ là mức phạt đối với cá nhân, trường hợp là các tổ chức theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì sẽ chịu phạt gấp 02 lần mức phạt nêu trên.
Nội dung chủ yếu trong phương án sử dụng lao động là gì?
Theo quy định tại Điều 44 Bộ luật Lao động 2019, phương án sử dụng lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Số lượng và danh sách người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian;
- Số lượng và danh sách người lao động nghỉ hưu;
- Số lượng và danh sách người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và các bên liên quan trong việc thực hiện phương án sử dụng lao động;
- Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
Cần lưu ý, khi xây dựng phương án sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Sau khi trao đổi ý kiến và thống nhất thông qua phương án sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải thông báo công khai phương án sử dụng lao động cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?
- 6 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày 6 12 năm 2024 vẫn được hưởng nguyên lương đúng không?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?