Khấu trừ tiền lương của người lao động để bù cho phần khoán bị thiếu có đúng theo quy định của pháp luật?
Trả lương khoán là gì?
Hiện nay, pháp luật không có nội dung quy định chi tiết về khái niệm lương khoán. Tuy nhiên, tại Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thì có đề cập đến cụm từ “lương khoán” trong điều khoản về hình thức trả lương.
Căn cứ theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hình thức trả lương như sau:
Hình thức trả lương
1. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.
2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về hình thức trả lương như sau:
Hình thức trả lương
1. Căn cứ vào tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động hình thức trả lương theo thời gian, theo sản phẩm và trả lương khoán như sau:
…
c) Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
...
Như vậy, trả lương khoán là một hình thức trả lương theo quy định của pháp luật về lao động. Theo đó, người lao động sẽ được trả lương dựa vào khối lượng, số lượng và chất lượng công việc hoàn thành. Lương khoán thường được áp dụng cho các công việc mang tính chất thời vụ, tạm thời.
Khấu trừ tiền lương của người lao động để bù cho phần khoán bị thiếu có đúng theo quy định của pháp luật? (Hình từ Internet)
Khấu trừ tiền lương của người lao động để bù cho phần khoán bị thiếu có đúng theo quy định của pháp luật?
Căn cứ theo Điều 102 Bộ luật Lao động 2019 quy định về khấu trừ tiền lương như sau:
Khấu trừ tiền lương
1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này.
2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, người sử dụng lao động chỉ được phép khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Lao động 2019.
Căn cứ theo Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các hình thức xử lý kỷ luật bao gồm:
Hình thức xử lý kỷ luật lao động
1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
3. Cách chức.
4. Sa thải.
Theo đó, khấu trừ lương không được xem là hình thức xử lý kỷ luật người lao động.
Người lao động không đảm bảo chất lượng công việc mà doanh nghiệp trừ lương của người lao động là trái pháp luật.
Đối chiếu trường hợp của bạn với các quy định trên thì người sử dụng lao động đã khấu trừ tiền lương bằng số tiền còn thiếu để bù cho mức khoán trong ngày là trái với quy định của pháp luật.
Khấu trừ tiền lương trái với quy định, người sử dụng lao động bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt cụ thể như sau:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt quy định nêu trên chỉ là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân.
Ngoài ra người sử dụng lao động còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau: Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Dựa theo các quy định trên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người lao động cần phản ánh với tổ chức công đoàn cơ sở, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được giúp đỡ, hỗ trợ, có kiến nghị với công ty xem xét, xây dựng lại quy chế tiền lương, tiền thưởng, mức khoán phù hợp với quy định của pháp luật.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?