Hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp như thế nào? Mức hưởng hỗ trợ học nghề cho người lao động đã thay đổi qua các năm như thế nào?
Người lao động được hỗ trợ học nghề khi đang thất nghiệp?
Hỗ trợ học nghề là một chế độ khi người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhằm hỗ trợ người lao động nâng cao trình độ khi trong thời gian đang thất nghiệp.
Theo Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) thì dự kiến chế độ "hỗ trợ học nghề" sẽ đổi tên thành “hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề”. Sự sửa đổi này của chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu thực tế hiện nay, người lao động không những muốn học, muốn đào tạo mà còn chú trọng phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề của mình.
Hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp như thế nào? Mức hưởng hỗ trợ học nghề cho người lao động đã thay đổi qua các năm như thế nào? (Hình từ Internet)
Điều kiện người lao động được hưởng hưởng hỗ trợ học nghề thay đổi qua các năm như thế nào?
Theo quy định tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) như sau:
Điều kiện được hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề
Kế thừa quy định như nội dung quy định tại Điều 55 Luật Việc làm 2013.
Sửa đổi điều kiện hỗ trợ theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hỗ trợ học nghề gồm:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động.
- Người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc.
- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Theo Điều 55 Luật Việc làm 2013 có quy định như sau:
Điều kiện được hỗ trợ học nghề
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 49 của Luật này;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
Quy định tại Dự thảo đã bổ sung trường hợp không được hưởng hỗ trợ học nghề khi người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, và người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng bất kể đúng hay trái luật. Theo đó, người lao động được hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghề khi có đủ điều kiện sau:
- Có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc;
+ Người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc;
+ Đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nghỉ việc;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Chết.
Trước đây, quy định tại Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong đó có chế độ hỗ trợ học nghề như sau:
Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp;
2. Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;
3. Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Theo đó, trước ngày 01/01/2015 (ngày Luật Việc làm 2013 có hiệu lực) thì người lao động muốn hưởng hỗ trợ học nghề phải có thời gian đóng BHTN đủ 12 tháng, đã nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày. Quy định trên về thời gian cao hơn so với hiện nay, tuy nhiên đối tượng phạm vi sẽ rộng hơn, vì không có các trường hợp hạn chế hưởng hỗ trợ học nghề theo quy định hiện hành.
Mức hưởng hỗ trợ học nghề cho người lao động đã thay đổi qua các năm như thế nào?
Theo Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) thì:
Thời gian, mức hỗ trợ học nghề
Kế thừa quy định như nội dung quy định tại Điều 56 Luật Việc làm 2013.
Bổ sung quy định người lao động được hỗ trợ hỗ trợ chi phí học nghề và chi phí khác (đi lại, sinh hoạt phí,…) theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Dự thảo đã quy định hỗ trợ bổ sung thêm cho người lao động các chi phí khác như sinh hoạt phí, chi phí đi lại.
Theo quy định pháp luật hiện nay tại khoản 2 Điều 56 Luật Việc làm 2013 được hướng dẫn bởi khoản 1 Điều 3 Quyết định 17/2021/QĐ-TTg thì
Kể từ 15/5/2021 mức hỗ trợ học nghề như sau:
- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.
- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.
Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là ½ tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.
Từ 01/01/2015, theo khoản 1 Điều 3 Quyết định 77/2014/QĐ-TTg thì mức hỗ trợ học nghề quy định như sau:
Mức hỗ trợ học nghề
1. Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa 01 (một) triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề.
Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 (một) tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.
...
Theo Điều 83 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 được hướng dẫn bởi khoản 1 Điều 3 Quyết định 55/2013/QĐ-TTg quy định như sau:
Mức, thời gian và phương thức hỗ trợ học nghề
1. Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp:
a) Đối với người tham gia các khóa học nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học; mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế;
b) Đối với người tham gia các khóa học nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tối đa 600.000 đồng/người/tháng; mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế.
...
Theo đó, kể từ khi xuất hiện bảo hiểm thất nghiệp nói chung và chế độ hỗ trợ học nghề nói riêng cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến nay thì mức hỗ trợ đã tăng đáng kể, được điều chỉnh theo thời kỳ để phù hợp với nhu cầu thực tế và mức chi phí hiện tại.
Tuy nhiên, nếu Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được thông qua thì mức hỗ trợ học nghề cũng cần thiết điều chỉnh sao cho phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế, đảm bảo được quyền lợi cho người lao động.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?