Hồ sơ đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn của viên chức bao gồm những giấy tờ gì?
- Hồ sơ đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn của viên chức bao gồm những giấy tờ gì?
- Quy trình xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với viên chức được thực hiện như thế nào?
- Chỉ tiêu nâng bậc lương trước thời hạn được thực hiện theo nguyên tắc nào nếu 10% tính trên tổng biên chế thực trả lương của đơn vị tại thời điểm 31/12 là số thập phân?
Hồ sơ đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn của viên chức bao gồm những giấy tờ gì?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2796/QĐ-BTC năm 2015, hồ sơ đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn bao gồm:
- Công văn đề nghị của Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp viên chức
- Danh sách đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn (theo mẫu số 1);
- Biên bản họp của Hội đồng xét nâng bậc lương trước thời hạn (theo mẫu số 2);
- Quyết định nâng bậc lương của năm gần nhất; trường hợp có thiệt thòi về lương cần có bảng diễn biến về tiền lương;
- Bản sao các quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận thành tích của viên chức được đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn tính đến thời điểm 31/12 của năm xét.
- Văn bản thông báo của cấp có thẩm quyền về kết quả đánh giá, phân loại viên chức của năm xét đối với viên chức được đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn.
Hồ sơ đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn của viên chức bao gồm những giấy tờ gì? (Hình từ Internet)
Quy trình xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với viên chức được thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2796/QĐ-BTC năm 2015, quy trình xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với viên chức được thực hiện như sau:
(1) Đối với cơ quan Bộ và cơ quan Tổng cục và tương đương:
Bước 1. Hội đồng xét nâng bậc lương trước thời hạn của từng Vụ, Cục (gồm đại diện lãnh đạo đơn vị làm chủ tịch Hội đồng và bao gồm các thành viên đại diện cấp ủy, công đoàn, nữ công và Đoàn Thanh niên) họp xét danh sách nâng bậc lương trước thời hạn của đơn vị mình (danh sách đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn xếp theo thứ tự ưu tiên). Căn cứ kết quả của Hội đồng này, Thủ trưởng đơn vị ký công văn đề nghị Hội đồng nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan Bộ hoặc của cơ quan Tổng cục (Qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 20/01 để tổng hợp xét. Quá thời hạn trên, đơn vị nào không có đề nghị thì coi như không có nhu cầu xét nâng bậc lương trước thời hạn.
Bước 2. Hội đồng xét nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan Bộ hoặc của cơ quan Tổng cục căn cứ thứ tự danh sách đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn của từng đơn vị do Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, tiến hành họp xét theo nguyên tắc xét mỗi đơn vị không quá 10% tính trên tổng số biên chế thực tế trả lương đến thời điểm 31/12 của năm xét; nếu còn thừa chỉ tiêu Hội đồng thực hiện xét chung trong toàn khối cơ quan Bộ, cơ quan Tổng cục đối với các trường hợp được đề nghị còn lại cho đến hết chỉ tiêu.
Bước 3. Căn cứ kết luận của Hội đồng, Vụ Tổ chức cán bộ thông báo công khai danh sách những người dự kiến được nâng bậc lương trước thời hạn trên website của Bộ Tài chính (đối với cơ quan Bộ) và trên website của Tổng cục (đối với cơ quan Tổng cục) trong vòng 05 ngày làm việc trước khi trình Lãnh đạo Bộ hoặc Lãnh đạo Tổng cục ký ban hành Quyết định nâng bậc lương trước thời hạn.
(2) Đối với các Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc nhà nước, Cục Dự trữ Nhà nước ở địa phương:
Bước 1. Phòng, Chi cục thuộc Cục rà soát đề xuất danh sách nâng lương trước thời hạn (xếp danh sách theo thứ tự ưu tiên) gửi bộ phận Tổ chức cán bộ của Cục trước ngày 20/01 để tổng hợp xét (có biên bản họp và thống nhất ý kiến của Lãnh đạo, cấp ủy và công đoàn). Quá thời hạn trên, đơn vị nào không có đề nghị thì coi như không có nhu cầu xét nâng bậc lương trước thời hạn.
Bước 2. Hội đồng xét nâng bậc lương trước thời hạn của Cục tiến hành họp xét (trên cơ sở danh sách đề nghị nâng bậc lương thời trước hạn của các đơn vị do bộ phận Tổ chức cán bộ tổng hợp)
Bước 3. Căn cứ kết luận của Hội đồng, bộ phận Tổ chức cán bộ thông báo công khai danh sách những người dự kiến được nâng bậc lương trước thời hạn tới tất cả các đơn vị trực thuộc trong vòng 05 ngày làm việc trước khi trình cấp có Thẩm quyền ký ban hành Quyết định định nâng bậc lương trước thời hạn.
(3) Đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, thuộc Tổng cục:
Bước 1. Phòng, Ban, Khoa,... thuộc đơn vị rà soát đề xuất danh sách nâng bậc lương trước thời hạn (có biên bản họp và thống nhất ý kiến của Lãnh đạo, cấp ủy và công đoàn) gửi bộ phận Tổ chức cán bộ trước ngày 20/01 để tổng hợp xét. Quá thời hạn trên, đơn vị nào không có đề nghị thì coi như không có nhu cầu xét nâng bậc lương trước thời hạn.
Bước 2. Hội đồng xét nâng bậc lương trước thời hạn của đơn vị tiến hành họp xét (trên cơ sở danh sách đề nghị nâng bậc lương thời trước hạn của các Phòng, ban, khoa ... do bộ phận Tổ chức cán bộ tổng hợp)
Bước 3. Căn cứ kết luận của Hội đồng, bộ phận Tổ chức cán bộ thông báo công khai danh sách những người dự kiến được nâng bậc lương trước thời hạn tới tất cả các Phòng, Ban, Khoa ... trực thuộc trong vòng 05 ngày làm việc trước khi trình cấp có thẩm quyền ký Quyết định định nâng bậc lương trước thời hạn.
(4) Đối với công chức, viên chức giữ ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương được xét duyệt nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc: căn cứ vào kết quả xét duyệt nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc do các đơn vị báo cáo, Vụ Tổ chức cán bộ trình Bộ ký công văn gửi Bộ Nội vụ thống nhất ý kiến trước khi ban hành Quyết định.
Chỉ tiêu nâng bậc lương trước thời hạn được thực hiện theo nguyên tắc nào nếu 10% tính trên tổng biên chế thực trả lương của đơn vị tại thời điểm 31/12 là số thập phân?
Tại khoản 3 Điều 7 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2796/QĐ-BTC năm 2015 có quy định:
Chỉ tiêu và đơn vị để tính nâng bậc lương trước thời hạn
1. Tỷ lệ nâng bậc lương trước hạn
Chỉ tiêu nâng bậc lương trước thời hạn bằng 10% tổng biên chế thực tế trả lương của đơn vị tính đến thời điểm ngày 31/12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.
2. Đơn vị tính chỉ tiêu nâng bậc lương trước thời hạn được xác định như sau:
a. Cơ quan Bộ Tài chính là 01 đơn vị.
b. Cơ quan Tổng cục và tương đương là 01 đơn vị.
c. Mỗi Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố, Cục Hải quan, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực là 01 đơn vị.
d. Mỗi đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, đơn vị sự nghiệp thuộc các Tổng cục là 01 đơn vị. Trường hợp đối với đơn vị thuộc Tổng cục có số lượng biên chế thực tế dưới 10 người thì gộp lại xét chung với khối cơ quan Tổng cục.
3. Nếu 10% tính trên tổng biên chế thực trả lương của đơn vị tại thời điểm 31/12 là số thập phân thì chỉ tiêu nâng bậc lương trước thời hạn được làm tròn theo nguyên tắc:
a. Nếu phần thập phân nhỏ hơn 5 thì chỉ lấy phần nguyên (ví dụ; 5,49 thì lấy 5).
b. Nếu phần thập phân bằng 5 trở lên thì cộng vào phần nguyên một đơn vị (ví dụ 5,50 thì lấy 6).
Như vậy, nếu 10% tính trên tổng biên chế thực trả lương của đơn vị tại thời điểm 31/12 là số thập phân thì chỉ tiêu nâng bậc lương trước thời hạn được làm tròn theo nguyên tắc:
- Nếu phần thập phân nhỏ hơn 5 thì chỉ lấy phần nguyên (ví dụ; 5,49 thì lấy 5).
- Nếu phần thập phân bằng 5 trở lên thì cộng vào phần nguyên một đơn vị (ví dụ 5,50 thì lấy 6).
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?
- 6 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày 6 12 năm 2024 vẫn được hưởng nguyên lương đúng không?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?