Giáo viên thỉnh giảng tham gia biên soạn giáo trình thì ký hợp đồng gì?
Thỉnh giảng là gì?
Căn cứ theo Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT có quy định về thỉnh giảng như sau:
Thỉnh giảng là việc cơ sở giáo dục mời nhà giáo hoặc người có đủ tiêu chuẩn theo quy định đến để:
- Giảng dạy các môn học, học phần được quy định trong chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp và đại học;
- Giảng dạy các chuyên đề;
- Hướng dẫn, tham gia chấm, hội đồng chấm đồ án, khoá luận tốt nghiệp; hướng dẫn, tham gia hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;
- Hướng dẫn thí nghiệm, thực hành, thực tập theo các chương trình giáo dục;
- Tham gia xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, sách tham khảo.
Giáo viên thỉnh giảng tham gia biên soạn giáo trình thì ký hợp đồng gì?
Giáo viên thỉnh giảng tham gia biên soạn giáo trình thì ký hợp đồng gì?
Căn cứ theo Điều 7 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT quy định về chế độ thỉnh giảng trong cơ sở giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có quy định về hợp đồng thỉnh giảng như sau:
Hợp đồng thỉnh giảng
1. Đối với nhà giáo thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức
a) Hợp đồng thỉnh giảng là hợp đồng vụ, việc. Việc giao kết, thực hiện, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng thực hiện theo các quy định tại Mục 7 Chương XVII Bộ luật Dân sự. Không thực hiện hợp đồng lao động đối với hoạt động thỉnh giảng của cán bộ, công chức, viên chức.
b) Trong hợp đồng thỉnh giảng phải có điều khoản nhà giáo thỉnh giảng cam kết bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác.
2. Đối với nhà giáo thỉnh giảng không phải là cán bộ, công chức, viên chức
a) Đối với các hoạt động nêu tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 2 Quy định này, hợp đồng thỉnh giảng là hợp đồng lao động đã được quy định tại Bộ luật Lao động. Việc giao kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng, việc khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo các quy định của pháp luật về lao động.
b) Đối với hoạt động thỉnh giảng nêu tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Quy định này, hợp đồng thỉnh giảng là hợp đồng vụ, việc. Việc giao kết, thực hiện, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng thực hiện theo các quy định tại Mục 7 Chương XVII Bộ luật Dân sự.
Như vậy, đối với giáo viên thỉnh giảng dù là cán bộ, công chức, viên chức hay không nhưng tham gia biên soạn giáo trình thì sẽ sử dụng hợp đồng thỉnh giảng là hợp đồng vụ, việc và hợp đồng này sẽ chịu sự điều chỉnh Bộ luật Dân sự 2015.
Nếu không ký hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng thì bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ tại Điều 9 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT cũng quy định quyền hạn của nhà giáo thỉnh giảng như sau:
Quyền của nhà giáo thỉnh giảng
1. Được hưởng tiền công, tiền lương, quyền lợi theo thỏa thuận trong hợp đồng thỉnh giảng và theo quy định của pháp luật.
2. Được tham gia sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, được tạo điều kiện nghiên cứu khoa học tại cơ sở thỉnh giảng, được xét tặng các danh hiệu, được xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm các chức danh Giáo sư, Phó giáo sư theo quy định của pháp luật.
3. Được cơ sở thỉnh giảng cung cấp, hỗ trợ tài liệu, thiết bị, phương tiện làm việc cần thiết; được đánh giá, xếp loại, khen thưởng nếu có thành tích trong hoạt động giáo dục, đào tạo theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy việc được hưởng tiền công, tiền lương, quyền lợi theo thỏa thuận trong hợp đồng thỉnh giảng là quyền lợi của nhà giáo thỉnh giảng. Do đó việc không kí hợp đồng thỉnh giảng là hành vi vi phạm về việc sử dụng nhà giáo.
Căn cứ Điều 24 Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo, người dạy
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không ký hợp đồng với nhà giáo thỉnh giảng theo quy định;
b) Bố trí nhà giáo giảng dạy vượt quá định mức giờ giảng theo quy định.
2. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng nhà giáo, người dạy không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ để giảng dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác hoặc không phù hợp với chuyên môn được đào tạo theo các mức phạt sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 Luật Giáo dục nghề nghiệp;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo giảng dạy trình độ sơ cấp;
c) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo giảng dạy trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc bố trí, sử dụng nhà giáo đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ và đúng chuyên ngành được đào tạo đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Và theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần; trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; biện pháp đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Giáo dục nghề nghiệp và các Nghị định trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
...
3. Mức phạt tiền trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
a) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75.000.000 đồng, đối với tổ chức là 150.000.000 đồng;
b) Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với tổ chức, trừ quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 11, khoản 1 và khoản 2 Điều 16, các khoản 1, 2 và 3 Điều 21, điểm a khoản 3 Điều 22, khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 27, điểm b khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 34, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 36 của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân;
c) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức;
d) Hộ kinh doanh, hộ gia đình có mở lớp đào tạo nghề vi phạm các quy định của Nghị định này bị áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.
...
Theo đó, khi cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hành vi không ký hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng theo quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức là 150.000.000 đồng.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?
- 6 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày 6 12 năm 2024 vẫn được hưởng nguyên lương đúng không?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?