Giáo viên nghỉ lễ có phải dạy bù hay không? Mẫu sổ dạy bù được lập thế nào?
Giáo viên nghỉ lễ có phải dạy bù hay không?
Tại khoản 1 Điều 13 Luật Viên chức 2010 có quy định như sau:
Quyền của viên chức về nghỉ ngơi
1. Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.
...
Theo đó, chế độ nghỉ của viên chức được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
Tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Như vậy, vào các ngày lễ giáo viên sẽ được nghỉ hưởng nguyên lương và không có trách nhiệm phải làm bù vào khối lượng công việc ngày hôm đó.
Tuy nhiên, do tính chất công việc mà các giáo viên sẽ phải dạy bù để đảm bảo chương trình học theo đúng tiến độ quy định của Bộ GDĐT, đảm bảo đủ số tiết và kiến thức truyền đạt cho các em học sinh. Vì vậy, thực tế các nhà trường sẽ thường yêu cầu giáo viên dạy bù sau những ngày nghỉ lễ, tết. Và những tiết dạy bù như vậy sẽ được xác định là thời gian làm thêm giờ.
Giáo viên nghỉ lễ có phải dạy bù hay không? Giáo viên nghỉ lễ dạy bù có được nhận tiền lương làm thêm giờ hay không?
Giáo viên nghỉ lễ dạy bù có được nhận tiền lương làm thêm giờ hay không?
Tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Làm thêm giờ
1. Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
...
Theo đó, ngoài giờ làm việc bình thường mà giáo viên phải dạy bù thì thời gian này sẽ được tính là làm thêm giờ và được nhận tiền lương làm thêm giờ theo quy định.
Tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP có quy định như sau:
Chế độ trả lương
...
2. Chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.
Theo đó, chế độ trả lương làm thêm giờ đối với viên chức thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy, tiền lương dạy bù ngày nghỉ lễ của giáo viên được tính theo Điều 98 Bộ luật lao động 2019 như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
Như vậy, giáo viên cần xem xét thời gian trường học yêu cầu mình dạy bù là vào ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần hay nghỉ lễ, nghỉ có hưởng lương để xác định quyền lợi về lương dạy bù mà mình được hưởng. Theo đó:
- Nếu nhà trường có yêu cầu dạy bù vào ngày thường, giáo viên sẽ được chi trả ít nhất 150% tiền lương;
- Nếu dạy bù vào ngày nghỉ hàng tuần thì ít nhất và 200% tiền lương;
- Nếu dạy bù ngày nghỉ lễ, nghỉ có hưởng lương thì ít nhất phải bằng 300% tiền lương theo công việc đang làm.
Mẫu sổ dạy bù của giáo viên được lập như thế nào?
Mẫu sổ dạy bù là mẫu sổ được lập ra để ghi chép và quản lý thông tin về các buổi học bù trong lĩnh vực giáo dục. Khi học sinh hoặc giáo viên không thể tham gia buổi học trong thời gian học dự kiến, buổi học đó có thể được dời sang một thời gian khác để bù đắp nội dung đã bị bỏ lỡ. Mẫu sổ dạy bù nêu rõ thông tin giáo viên dạy bù, ngày dạy, lớp dạy, môn dạy, tên bài giảng dạy trong tiết dạy bù... Mẫu sổ dạy bù thường bao gồm các thông tin sau:
- Ngày và thời gian: Ghi chính xác ngày và thời gian buổi học bù diễn ra.
- Lớp học: Xác định lớp học hoặc nhóm học tham gia buổi học bù.
- Nội dung bù: Ghi rõ nội dung bài học hoặc phần nào của chương trình học được bù đắp trong buổi học này.
- Giáo viên: Xác định giáo viên hoặc người phụ trách buổi học bù.
- Lý do vắng mặt: Ghi chú nguyên nhân mà học sinh hoặc giáo viên không thể tham gia buổi học chính thống, dẫn đến cần phải tổ chức buổi học bù.
- Tài liệu liên quan: Có thể có các tài liệu tham khảo hoặc tài liệu học liên quan đến buổi học bù.
- Ký tên và xác nhận: Người quản lý buổi học bù (thường là giáo viên) ký tên để xác nhận rằng buổi học bù đã diễn ra và nội dung đã được bù đắp.
Mẫu sổ dạy bù có thể được tạo ra dưới dạng một biểu mẫu giấy hoặc được quản lý thông qua phần mềm quản lý giáo dục. Mục đích của nó là để đảm bảo rằng học sinh và giáo viên có đầy đủ thông tin về những buổi học bù và để duy trì sự tổ chức trong việc quản lý thời gian học.
Hiện nay, mẫu sổ dạy bù của giáo viên không được quy định trong Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản pháp luật liên quan khác. Thông thường mẫu sổ dạy bù sẽ được ban hành cụ thể để áp dụng tại từng đơn vị.
Dưới đây là mẫu sổ dạy bù của giáo viên mà các bạn có thể tham khảo:
Tải Mẫu sổ dạy bù của giáo viên: Tại đây
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?
- 6 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày 6 12 năm 2024 vẫn được hưởng nguyên lương đúng không?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?