Được lãnh BHXH 1 lần khi nghỉ việc bao nhiêu năm?
Được lãnh BHXH 1 lần khi nghỉ việc bao nhiêu năm?
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP người lao động tham gia BHXH bắt buộc được lãnh BHXH 1 lần sau 1 năm nghỉ việc kể từ thời điểm chấm dứt đóng BHXH và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.
Bên cạnh các đối tượng phải đợi 1 năm sau khi nghỉ việc mới được lãnh BHXH theo quy định thì trong một số trường hợp người lao động sẽ được lãnh BHXH 1 lần ngay mà không cần phải chờ đủ thời gian trong các trường hợp được quy định tại Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau:
- Người lao động đã đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
- Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
- Người lao động ra nước ngoài để định cư.
- Người lao động đang bị mắc một trong những bệnh nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS hoặc những bệnh nghiêm trọng khác theo quy định của Bộ Y tế.
Như vậy, người lao động nghỉ việc sau 1 năm kể từ thời điểm chấm dứt đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì có thể lãnh BHXH 1 lần.
Được lãnh BHXH 1 lần khi nghỉ việc bao nhiêu năm?
Mức hưởng BHXH 1 lần là bao nhiêu?
Tại khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Bảo hiểm xã hội một lần
...
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
...
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH có hướng dẫn thêm như sau:
Bảo hiểm xã hội một lần
1. Bảo hiểm xã hội một lần được thực hiện theo quy định tại Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động và Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP .
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Theo đó, mức hưởng BHXH 1 lần được chi trả dựa trên thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau:
* Công thức tính mức hưởng BHXH 1 lần:
Mức hưởng BHXH 1 lần = {(1,5 x thời gian tham gia BHXH trước năm 2014) + (2 x thời gian tham gia BHXH từ năm 2014)} x Mbqtl
Trong đó: Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 9 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
* Với trường hợp đóng BHXH chưa đủ 01 năm thì sử dụng công thức sau:
Mức hưởng BHXH 1 lần = 22% x số tháng x tiền lương đóng theo tháng
Tuy nhiên mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Khoảng thời gian đã được tính hưởng BHXH 1 lần có được tính vào thời gian hưởng bảo hiểm của lần tiếp theo hay không?
Tại khoản 3 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
Nguyên tắc bảo hiểm xã hội
1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
...
Theo đó, chế độ BHXH 1 lần được tính trên toàn bộ thời gian mà người lao động tham gia bảo hiểm trước đó. Thời gian đóng BHXH của người lao động đã được tính hưởng BHXH 1 lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH.
Như vậy, người lao động phải đóng và tích lũy thời gian tham gia bảo hiểm xã hội lại từ đầu.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?