Đóng BHXH chưa đủ 1 năm rút BHXH 1 lần được bao nhiêu tiền?
Đóng BHXH chưa đủ 1 năm rút BHXH 1 lần được bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo khoản 2 và khoản 3 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Bảo hiểm xã hội một lần
...
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
...
Chiếu theo quy định trên, mức hưởng khi rút BHXH 1 lần được quy định thành 03 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Có thời gian đóng BHXH bắt buộc trước năm 2014
Khi người lao động có thời gian đóng BHXH bắt buộc trước năm 2014 thì mức hưởng là 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng BHXH.
Trường hợp 2: Có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ năm 2014 trở đi
Khi người lao động có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ năm 2014 trở đi thì mức hưởng là 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng BHXH.
Trường hợp 3: Có thời gian đóng BHXH bắt buộc chưa đủ 1 năm
Khi người lao động có thời gian đóng BHXH bắt buộc chưa đủ 1 năm thì mức hưởng bằng với số tiền đã đóng BHXH, tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Như vậy, trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm thì mức hưởng được tính dựa trên số tiền đã đóng BHXH nhưng không được cao hơn 02 tháng mức bình quân tiền lương đóng BHXH.
Ví dụ: Giả sử bạn đã đóng BHXH trong 8 tháng với mức bình quân tiền lương tháng đóng là 5 triệu đồng.
Theo đó, căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Việc làm 2013, Nghị định 58/2020/NĐ-CP và Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, tổng mức đóng BHXH bắt buộc với tiền lương tháng 5 triệu đồng là 1,6 triệu đồng (32% của 5 triệu đồng, trong đó có 10,5% do người lao động đóng và 21,5% do người sử dụng lao động đóng)
>>> Tải mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 2024 chi tiết: TẠI ĐÂY
Mức hưởng khi rút BHXH 1 lần là:
Mức hưởng trong 8 tháng: 1.600.000 x 8 = 12.800.000 đồng
Mức hưởng tối đa: 5.000.000 x 2 = 10.000.000 đồng
Như vậy, mức hưởng trong 8 tháng lúc này cao hơn so với mức hưởng tối đa là 02 tháng mức bình quân tiền lương đóng BHXH.
Do đó, với thời gian đóng BHXH bắt buộc là 8 tháng và mức tiền lương đóng BHXH bắt buộc là 5 triệu đồng, người lao động sẽ được hưởng 10 triệu đồng (mức tối đa) khi rút BHXH 1 lần.
Đóng BHXH chưa đủ 1 năm rút BHXH 1 lần được bao nhiêu tiền?
Điều kiện được rút BHXH 1 lần là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Bảo hiểm xã hội một lần
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
...
Chiếu theo quy định trên, những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, có yêu cầu được hưởng BHXH 1 lần và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019) mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019) mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
- Ra nước ngoài để định cư;
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
- Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Như vậy, điều kiện để được rút BHXH 1 lần bao gồm:
- Thuộc một trong các trường hợp nêu trên;
- Người rút BHXH 1 lần phải thuộc đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
- Có yêu cầu rút BHXH 1 lần.
Có bảo lưu thời gian đóng BHXH được không?
Căn cứ theo Điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Như vậy, trong trường hợp người lao động nghỉ việc nhưng chưa đủ điều kiện được hưởng lương hưu và chưa hoặc không muốn rút BHXH 1 lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH của mình.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Chốt lịch chi trả lương hưu tháng 1, tháng 2/2025 nhận gộp vào ngày nào?
- Từ 07/01/2025 chính sách cải cách tiền lương được thực hiện theo Nghị quyết 161 của Quốc hội thế nào?
- Toàn bộ bảng lương CBCCVC và LLVT chính thức thay đổi do bãi bỏ mức lương cơ sở khi xây dựng chính sách tiền lương mới đúng không?
- Chính thức chốt tăng lương trong 05 bảng lương của cán bộ công chức viên chức được đề xuất trong trường hợp nào?