Đóng bảo hiểm xã hội trước năm 1995 đối với người lao động làm việc trong khu vực nhà nước thì có được cộng dồn thời gian đóng hay không?
- Đóng bảo hiểm xã hội trước năm 1995 đối với người lao động làm việc trong khu vực nhà nước thì có được cộng dồn thời gian đóng hay không?
- Thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 được tính như thế nào?
- Cần chuẩn bị hồ sơ thế nào để xét tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đối với người lao động?
Đóng bảo hiểm xã hội trước năm 1995 đối với người lao động làm việc trong khu vực nhà nước thì có được cộng dồn thời gian đóng hay không?
Căn cứ khoản 6 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Quy định chuyển tiếp
...
6. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân.
...
Theo đó, người lao động có thời gian công tác trước năm 1995 mà đã nghỉ việc sẽ được tính cộng dồn thời gian công tác vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi đáp ứng đủ 02 điều kiện sau:
- Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995.
- Đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên.
Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân.
Căn cứ khoản 7 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định hằng năm, Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội để bảo đảm trả đủ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995; đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đối với người đáp ứng đủ 02 điều kiện nêu trên.
Đóng bảo hiểm xã hội trước năm 1995 đối với người lao động làm việc trong khu vực nhà nước thì có được cộng dồn thời gian đóng hay không? (Hình từ Internet)
Thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 được tính như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội, cụ thể như sau:
Tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội
1. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà được tính là thời gian công tác liên tục nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể:
a) Người lao động làm việc trong khu vực nhà nước liên tục công tác đến ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội;
b) Người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ quy định tại Điều 3 của Nghị định số 66/CP ngày 30 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội đối với lực lượng vũ trang; Điều 3 của Nghị định 43/CP ngày 22 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội; Điều 54 của Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ; Điều 49 Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ và Khoản 4 Điều 139 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
c) Người đang hưởng trợ cấp bệnh binh, sau đó có thời gian tham gia công tác và đóng bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ bệnh binh còn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Thời gian tính hưởng bảo hiểm xã hội là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, thời gian công tác tính hưởng chế độ bệnh binh không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
Theo đó, thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 được tính theo quy định như trên.
Cần chuẩn bị hồ sơ thế nào để xét tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đối với người lao động?
Căn cứ Mục I Công văn 3595/LĐTBXH-BHXH năm 2020, để được cộng dồn thời gian công tác trước năm 1995, người lao động phải chuẩn bị các hồ sơ thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước năm 1995 như sau:
- Hợp đồng lao động hoặc Quyết định tuyển dụng;
- Các Quyết định nâng lương, chuyển xếp lương;
- Quyết định điều động hoặc Quyết định chuyển công tác;
- Quyết định phục viên xuất ngũ, chuyển ngành;
- Quyết định nghỉ chờ việc;
- Quyết định nghỉ việc hoặc chấm dứt Hợp đồng lao động;
- Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có).
Trường hợp người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì việc xem xét, quyết định tính hoặc không tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 là thời gian công tác đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định, dựa trên cơ sở đơn đề nghị của người lao động, văn bản xác nhận của cơ quan quản lý người lao động và các giấy tờ có liên quan đến thời gian công tác đề nghị tính hưởng bảo hiểm xã hội để đối chiếu như:
- Lý lịch Đảng viên, Lý lịch đoàn viên;
- Sổ lao động, danh sách lao động, sổ theo dõi, danh sách chi trả lương, sổ lương thực;
- Giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương;
- Văn bằng, chứng chỉ;
- Hồ sơ giải quyết chế độ của người lao động khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?
- 6 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày 6 12 năm 2024 vẫn được hưởng nguyên lương đúng không?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?