Doanh nghiệp cho thuê lại lao động có bắt buộc phải thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động với người lao động thuê lại không?
- Thế nào là hoạt động cho thuê lại lao động?
- Doanh nghiệp cho thuê lại lao động có bắt buộc phải thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động với người lao động thuê lại không?
- Hành vi sử dụng lao động thuê lại nhưng không có thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động thì có bị xử phạt?
Thế nào là hoạt động cho thuê lại lao động?
Trước đây, người lao động hoàn toàn xa lạ với khái niệm ‘cho thuê lại lao động” vì Bộ luật lao động 1994 điều chỉnh các quan hệ lao động giai đoạn đó chưa đề cập đến khái niệm này.
Mãi đến khi Bộ luật Lao động 2012 ra đời, người lao động mới được tiếp xúc với thuật ngữ này, cụ thể tại khoản 1 Điều 53 Bộ luật lao động 2012 quy định về cho thuê lại lao động như sau:
Cho thuê lại lao động
1. Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ luật Lao động 2019 hiện hành đã quy định chi tiết hơn về khái niệm này, cụ thể tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật Lao động 2019 đã nêu rõ:
Cho thuê lại lao động
1. Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.
...
Sự khác biệt ở hai quy định này thể hiện ở chỗ, Bộ luật Lao động 2019 đã giới hạn quan hệ của đơn vị cho thuê lại lao động với người lao động là "quan hệ hợp đồng lao động". Vì vậy, đơn vị cho thuê lại lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động mà không được sử dụng bất kỳ một hình thức hợp đồng nào khác.
Tóm lại, cho thuê lại lao động được hiểu là người sử dụng lao động, tuyển dụng lao động nhưng không phải để làm việc cho mình mà để làm việc cho bên thứ ba, gọi chung là đơn vị thuê lại lao động. Đơn vị thuê lại lao động này sẽ giao việc trực tiếp và giám sát người lao động làm việc đồng thời sẽ trả khoản chi phí theo thoả thuận với bên cho thuê lao động về việc cho thuê này.
Doanh nghiệp cho thuê lại lao động có bắt buộc phải thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động với người lao động thuê lại không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp cho thuê lại lao động có bắt buộc phải thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động với người lao động thuê lại không?
Căn cứ khoản 2 Điều 55 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động như sau:
Hợp đồng cho thuê lại lao động
1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản và được làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
2. Hợp đồng cho thuê lại lao động gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Địa điểm làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại;
b) Thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của người lao động thuê lại;
c) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
d) Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
đ) Nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động.
...
Như vậy, một trong những nội dung bắt buộc khi giao kết hợp đồng cho thuê lại lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với người lao động thuê lại
Vì vậy, doanh nghiệp cho thuê lại lao động bắt buộc phải thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động với người lao động thuê lại.
Hành vi sử dụng lao động thuê lại nhưng không có thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động thì có bị xử phạt?
Căn cứ khoản 2 Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về cho thuê lại lao động như sau:
Vi phạm quy định về cho thuê lại lao động
...
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với bên thuê lại lao động có một trong các hành vi sau đây:
...
e) Sử dụng lao động thuê lại nhưng không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, theo quy định nêu trên nếu bên thuê lại lao động sử dụng lao động thuê lại nhưng không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng với cá nhân và 100.000.000 đối với tổ chức.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?