Đáp ứng tiêu chuẩn nào thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên sơ cấp thi hành án dân sự?
Đáp ứng tiêu chuẩn nào thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên sơ cấp thi hành án dân sự?
Tại khoản 2 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự 2008 có quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên như sau:
Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên
1. Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên.
2. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên sơ cấp:
a) Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên;
b) Đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự;
c) Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp.
3. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên trung cấp:
a) Có thời gian làm Chấp hành viên sơ cấp từ 05 năm trở lên;
b) Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên trung cấp.
4. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên cao cấp:
a) Có thời gian làm Chấp hành viên trung cấp từ 05 năm trở lên;
b) Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên cao cấp.
...
Theo đó, để được bổ nhiệm làm Chấp hành viên sơ cấp thi hành án dân sự thì phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau đây:
- Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt;
- Có trình độ cử nhân luật trở lên;
- Có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao;
- Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên;
- Đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự;
- Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp.
Đáp ứng tiêu chuẩn nào thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên sơ cấp? (Hình từ Internet)
Chấp hành viên sơ cấp thi hành án dân sự được nhận mức lương là bao nhiêu?
Tại Điều 12a được bổ sung vào Chương IV Thông tư 03/2017/TT-BTP bởi khoản 20 Điều 1 Thông tư 08/2020/TT-BTP có quy định về xếp lương đối với công chức chuyên ngành thi hành án dân sự như sau:
Xếp lương đối với công chức chuyên ngành thi hành án dân sự
Công chức chuyên ngành thi hành án dân sự quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BTP được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19/02/2013 của Chính phủ) như sau:
a) Ngạch Chấp hành viên cao cấp, Thẩm tra viên cao cấp được áp dụng hệ số lương công chức loại A3, nhóm A3.1.
b) Ngạch Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên chính được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.1.
c) Ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A1.
d) Ngạch Thư ký trung cấp thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại B.
...
Theo đó, Chấp hành viên sơ cấp chuyên ngành thi hành án dân sự được áp dụng hệ số lương công chức loại A1 từ 2.34 đến 4.98 (Nghị định 204/2004/NĐ-CP).
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 10/2023/TT-BNV thì mức lương của Chấp hành viên sơ cấp thi hành án dân sự được tính như sau:
Mức lương = Lương cơ sở x hệ số lương
Hiện nay, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP
Mức lương cơ sở
1. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.
...
Khi đó Chấp hành viên sơ cấp thi hành án dân sự sẽ nhận mức lương từ: 4.212.000 đồng/tháng đến 8.964.000 đồng/tháng
Mức phụ cấp trách nhiệm theo nghề của Chấp hành viên sơ cấp thi hành án dân sự là bao nhiêu?
Tại Điều 2 Quyết định 27/2012/QĐ-TTg có quy định về mức phụ cấp trách nhiệm theo nghề như sau:
Mức phụ cấp trách nhiệm theo nghề
Chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề tính theo tỷ lệ % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) được quy định như sau:
1. Mức 15% áp dụng đối với Thẩm tra viên cao cấp thi hành án và Công chứng viên.
2. Mức 20% áp dụng đối với Chấp hành viên cao cấp, Thẩm tra viên chính thi hành án, Thư ký thi hành án và Thư ký trung cấp thi hành án.
3. Mức 25% áp dụng đối với Chấp hành viên trung cấp và Thẩm tra viên thi hành án.
4. Mức 30% áp dụng đối với Chấp hành viên sơ cấp.
Như vậy, theo quy định trên, hiện nay mức phụ cấp trách nhiệm theo nghề của Chấp hành viên sơ cấp thi hành án dân sự bằng 30% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?