Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng vì nhân viên nghỉ điều trị bệnh quá lâu, liệu có đúng với quy định pháp luật?
Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng vì nhân viên nghỉ điều trị bệnh quá lâu, liệu có đúng với quy định pháp luật?
Tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
...
Dẫn chiếu đến điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
...
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Theo đó, cần phải làm rõ thời gian nghỉ "điều trị bệnh quá lâu" ở đây chính xác là bao nhiêu tháng và phải căn cứ và loại hợp đồng lao động mà công ty đã giao kết với người lao động.
(1) Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn
- Nếu người lao động nghỉ điều trị bệnh dưới 12 tháng thì công ty không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
- Nếu người lao động nghỉ điều trị bệnh 12 tháng liên tục mà khả năng lao động chưa hồi phục thì công ty được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải đảm bảo về thời gian báo trước.
(2) Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng
- Nếu người lao động nghỉ điều trị bệnh dưới 06 tháng thì công ty không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
- Nếu người lao động nghỉ điều trị bệnh 06 tháng liên tục mà khả năng lao động chưa hồi phục thì công ty được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải đảm bảo về thời gian báo trước.
(3) Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng
- Nếu người lao động nghỉ điều trị bệnh với số ngày nghỉ ít hơn nửa thời hạn hợp đồng thì công ty không được đơn phương phương chấm dứt hợp đồng lao động.
- Nếu người lao động nghỉ điều trị bệnh quá nửa thời hạn hợp đồng mà khả năng lao động chưa hồi phục thì công ty được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải đảm bảo về thời gian báo trước.
Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng vì nhân viên nghỉ điều trị bệnh quá lâu, liệu có đúng với quy định pháp luật? (Hình từ Internet)
Thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là bao lâu?
Tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
...
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
...
Theo đó, người sử dụng lao động phải báo trước từ 30 ngày đến 45 ngày đối với từng trường hợp giao kết hợp đồng khác nhau.
Đối với một số công việc đặc thù quy định tại Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì người sử dụng lao động khi muốn chấm dứt hợp đồng lao động sẽ phải báo trước với người lao động ít nhất 120 ngày.
Có phải thông báo cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không?
Tại khoản 1 Điều 45 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động
1. Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 34 của Bộ luật này.
...
Như vậy, khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thì phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết, trừ các trường hợp sau:
- Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do.
- Người lao động bị tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động.
- Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất
- Người lao động chết
- Người lao động bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết;
- Người sử dụng lao động bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
- Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
- Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?