Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ đang nghỉ dưỡng thai được không?
Nghỉ dưỡng thai có bị công ty cho thôi việc được không?
Tại khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo đó, công ty không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ đang mang thai. Nói cách khác, người lao động nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ không thể bị công ty cho thôi việc.
Nếu tự ý cho người lao động này nghỉ việc, công ty sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Khi đó, công ty buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc, đồng thời còn phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền nhất định.
Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ đang nghỉ dưỡng thai được không? (Hình từ Internet)
Lao động nữ đang mang thai đơn phương chấm dứt hợp đồng có được không?
Tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai
1. Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
2. Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Như vậy, mặc dù công ty không thể đuổi việc nhưng lao động nữ mang thai có thể chủ động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Tuy nhiên phải thông báo cho bên người sử dụng lao động kèm theo giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh về việc tiếp tục đi làm thì sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Trường hợp lao động nữ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định nêu trên thì không phải tuân thủ về thời hạn báo trước theo Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
Lao động nữ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi sinh con có được hưởng chế độ thai sản không?
Tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.
Như vậy, theo quy định trên, nếu người lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản dù chấm dứt hợp đồng lao động trước thời điểm sinh con.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?
- 6 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày 6 12 năm 2024 vẫn được hưởng nguyên lương đúng không?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?