Có phải trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân đối với người làm việc trong hầm lò hay không?
Có phải trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân đối với người làm việc trong hầm lò hay không?
Tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH quy định về điều kiện được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, cụ thể như sau:
Điều kiện được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân
Làm việc tiếp xúc với một trong những yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại dưới đây thì được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân:
1. Tiếp xúc với yếu tố vật lý không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.
2. Tiếp xúc với bụi và hoá chất độc hại.
3. Tiếp xúc với yếu tố sinh học độc hại:
a) Vi rút, vi khuẩn độc hại gây bệnh, côn trùng có hại;
b) Phân, nước thải, rác, cống rãnh;
c) Các yếu tố sinh học độc hại khác.
4. Làm việc với máy, thiết bị, công cụ lao động tiềm ẩn các mối nguy mất an toàn, vệ sinh lao động, làm việc ở vị trí mà tư thế lao động nguy hiểm dễ gây ra tai nạn lao động; làm việc trên cao; làm việc trong hầm lò, nơi thiếu dưỡng khí; làm việc trên biển, trên sông nước, trong hầm sâu, trong không gian hạn chế, trong rừng; làm việc trong núi đá, hang đá hoặc điều kiện lao động nguy hiểm, độc hại khác.
Theo đó, người lao động làm việc trong hầm lò thì được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân.
Có phải trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân đối với người làm việc trong hầm lò hay không? (Hình từ Internet)
Khi thực hiện trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, người sử dụng lao động phải bảo đảm các nguyên tắc nào?
Tại khoản 3 Điều 23 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định:
Phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động
1. Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và phải sử dụng trong quá trình làm việc.
2. Người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, thiết bị để loại trừ hoặc hạn chế tối đa yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động.
3. Người sử dụng lao động khi thực hiện trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Đúng chủng loại, đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
b) Không phát tiền thay cho việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; không buộc người lao động tự mua hoặc thu tiền của người lao động để mua phương tiện bảo vệ cá nhân;
c) Hướng dẫn, giám sát người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân;
d) Tổ chức thực hiện biện pháp khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh đối với phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ.
4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.
Theo đó, người sử dụng lao động khi thực hiện trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
- Phải lựa chọn phương tiện bảo vệ cá nhân đúng chủng loại phù hợp với môi trường, điều kiện lao động, bảo vệ đúng đối tượng cần thiết, trang bị cho người lao động các phương tiện bảo vệ lao động có chất lượng tiêu chuẩn, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
- Người sử dụng lao động phải tự chi trả các khoản tiền mua phương tiện bảo vệ cá nhân, không được thu tiền của người lao động, Không phát tiền thay cho việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, cũng như không buộc người lao động tự mua.
- Tổ chức hướng dẫn người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đồng thời thực hiện giám sát quá trình sử dụng và bảo quản các phương tiện này.
- Tổ chức thực hiện biện pháp khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh đối với phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ vì các phương tiện này tiếp xúc trực tiếp với người lao động, nếu không đảm bảo an toàn có thể khiến người lao động bị nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người lao động.
Người lao động thử việc có phải bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp không?
Tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH có quy định:
Nguyên tắc bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí nơi cất giữ, bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chế tạo phương tiện bảo vệ cá nhân. Người lao động có trách nhiệm giữ gìn phương tiện bảo vệ cá nhân được giao.
2. Các phương tiện bảo vệ cá nhân để sử dụng ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm phóng xạ thì sau khi sử dụng, người sử dụng lao động phải có các biện pháp làm sạch, khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, môi trường xung quanh và phải định kỳ kiểm tra.
Theo đó người lao động thử việc phải có trách nhiệm giữ gìn phương tiện bảo vệ cá nhân được giao.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?