Có phải trả lương ngừng việc khi điều chuyển người lao động làm một công việc khác với hợp đồng lao động?
Lương ngừng việc là gì?
Lương ngừng việc được hiểu là số tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khi người lao động phải ngừng việc trong một số trường hợp đặc biệt, theo hợp đồng lao động trước đó hoặc theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Về nguyên tắc lương ngừng việc được tính đến trong trường hợp ngừng việc tạm thời và xảy ra trong các trường hợp không phải do lỗi của người lao động, nếu do lỗi của người lao động họ sẽ không được trả lương theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động 2019.
Có phải trả lương ngừng việc khi điều chuyển người lao động làm một công việc khác với hợp đồng lao động? (Hình từ Internet)
Khi nào người lao động được nhận lương ngừng việc?
Không phải trong tất cả các trường hợp người lao động cũng nhận được tiền lương ngừng việc mà phụ thuộc vào yếu tố lỗi do phía bên người lao động hay người sử dụng lao động hay lý do khách quan. Căn cứ Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương ngừng việc, có các trường hợp sau:
Thứ nhất, nếu người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải ngừng việc thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả người lao động tiền lương theo đúng hợp đồng lao động.
Thứ hai, nếu lỗi do phía người lao động thì đương nhiên người lao động đó sẽ không được trả lương. Trong trường hợp, do lỗi của người lao động khiến những người lao động khác trong cùng nơi làm việc thì những người lao động còn lai trong nơi làm việc đó sẽ được trả lương theo thỏa thuận của hai bên với điều kiện không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Thứ ba, lỗi do yếu tố khách quan không thuộc về doanh nghiệp và người lao động: Nếu ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Như vậy, chỉ trong trường hợp do bên người sử dụng lao động hoặc do lý do khách quan thì người lao động mới có thể nhận lương ngừng việc.
Có phải trả lương ngừng việc khi điều chuyển người lao động làm một công việc khác với hợp đồng lao động?
Căn cứ theo khoản 3, khoản 4 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về việc điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động như sau:
Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
...
3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật này.
Như vậy, đối với trường hợp người sử dụng lao động điều chuyển người lao động làm một công việc khác với hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động cần phải thực hiện một số biện pháp nhất định để đền bù cho người lao động, tránh việc người lao động chịu thiệt thòi.
Nếu trong trường hợp, người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì người sử dụng lao động bắt buộc phải trả lương ngừng việc cho người lao động theo đúng quy định của pháp luât. Đây có thể coi là một sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Mặt khác, tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định:
Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm
3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trong đó:
a) Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc; thời gian thử việc; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 111, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114, khoản 1 Điều 115; thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 176 và thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 128 của Bộ luật Lao động.
b) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp.
c) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.
Có thể thấy, đối với trường hợp người sử dụng lao động ngưng việc với người lao động do lỗi của bên người sử dụng hay do yếu tố khách quan thì thời gian ngừng việc được tính trong thời gian làm việc của người lao động.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?