Có giới hạn số ngày nghỉ không hưởng lương của người lao động?
Có giới hạn số ngày nghỉ không hưởng lương của người lao động?
Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
...
2.Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3.Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Theo quy định, người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
Khi nghỉ việc không hưởng lương trong các trường hợp trên, người lao động bắt buộc phải thông báo cho người sử dụng lao động biết về sự kiện này.
Ngoài ra, người lao động cũng có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương. Do đó, người lao động có thể xin nghỉ nhiều hơn số ngày mà luật quy định hoặc xin nghỉ vì những lý do riêng khác nếu người sử dụng lao động đồng ý.
Mặt khác, pháp luật cũng không quy định về tối đa số ngày nghỉ không hưởng lương nên người lao động có thể nghỉ không hưởng lương theo số ngày đã thỏa thuận mà không bị giới hạn, miễn sao được người sử dụng lao động chấp nhận.
Có giới hạn số ngày nghỉ không hưởng lương của người lao động? (Hình từ Internet)
Có được tự đóng bảo hiểm xã hội khi nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày trở lên hay không?
Tại khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
…
3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Theo đó, trong trường hợp người lao động nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong tháng sẽ không được đóng bảo hiểm xã hội tháng đó, đồng thời khi tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì người lao động bị trừ thời gian này ra. Nhiều người lao động muốn tự đóng bảo hiểm xã hội để khắc phục vấn đề thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bị ngắt quãng và đủ điều kiện khi làm hồ sơ hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 8 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 có quy định:
Đối tượng tham gia theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHXH, bao gồm:
1.1. Người lao động làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01/01/2018; người lao động làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01/01/2018 trở đi;
1.2. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;
1.3. Người lao động giúp việc gia đình;
1.4. Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;
1.5. Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
1.6. Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;
1.7. Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH;
1.8. Người tham gia khác.
2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến BHXH tự nguyện.
Theo đó, tự đóng bảo hiểm xã hội thuộc trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mà đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật. Nhưng người lao động lúc này lại đang thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Vì lý do này, người lao động đang trong thời gian nghỉ không hưởng lương sẽ không được tự đóng bảo hiểm xã hội.
Khi nào thời gian nghỉ không hưởng lương được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm?
Tại khoản 4 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động
...
4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
5. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
6. Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.
...
Theo đó, thời gian người lao động nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm thì được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?