Có được làm cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc hay không?
Người lao động có được làm cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc hay không?
Tại khoản 1 Điều 35 Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Đồng thời tại khoản 1 Điều 10 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định người lao động có quyền tự do chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.
Như vậy, người lao động có quyền tự do lựa chọn làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào mà pháp luật không cấm. Thêm vào đó, các cá nhân, tổ chức khác không được cản trở, gây khó khăn cho người lao động. Quy định này được ghi nhận tại khoản 6 Điều 9 Luật Việc làm 2013.
Tuy nhiên, nếu công việc mà người lao động làm có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì quyền tự do làm việc sẽ bị giới hạn bởi khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH đã nêu rõ "Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm".
Do đó, pháp luật cho phép người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận bằng văn bản về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm nếu công việc của người lao động đó liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của doanh nghiệp.
Để bảo vệ tối đa quyền lợi của mình, người sử dụng lao động sẽ yêu cầu người lao động làm công việc đặc thù ký thỏa thuận không làm cho công ty đối thủ trong một thời gian nhất định để đảm bảo người lao động không thể tiết lộ bí mật kinh doanh, công nghệ của doanh nghiệp cho đối thủ cạnh tranh.
Nếu đặt bút ký thỏa thuận không làm cho công ty đối thủ thì người lao động không được sang làm cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc.
Lưu ý: Thỏa thuận không làm cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc được công nhận nếu công việc mà người lao động làm liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động chỉ làm công việc bình thường, không liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì doanh nghiệp không được yêu cầu ký cam kết bởi điều này xâm phạm đến quyền tự do việc làm của người lao động.
Người lao động có được làm cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc hay không? (Hình từ Internet)
Nội dung thoả thuận về cam kết bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận với người lao động về nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong hợp đồng lao động hoặc bằng văn bản khác theo quy định của pháp luật.
Thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ có thể gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
- Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
- Thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
- Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
- Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
- Xử lý vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.
Người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên.
Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:
(1) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động 2019.
- Trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo khoản 2 Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
+ Ít nhất 05 ngày làm việc trước khi tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại, người sử dụng lao động thông báo đến các thành phần phải tham dự họp và bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp.
Nội dung thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại; họ tên người bị xử lý bồi thường thiệt hại và hành vi vi phạm;
- Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động.
Trường hợp một trong các thành phần không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp;
- Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo thời gian, địa điểm đã thông báo. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp không xác nhận tham dự hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
(2) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?