Chuẩn bị nguồn lao động khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội doanh nghiệp dịch vụ có bị xử phạt?
Doanh nghiệp dịch vụ phải chuẩn bị nguồn lao động khi nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 18 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định về việc chuẩn bị nguồn lao động như sau:
Chuẩn bị nguồn lao động
1. Doanh nghiệp dịch vụ chuẩn bị nguồn lao động trước khi đăng ký hợp đồng cung ứng lao động khi có yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động hoặc theo thỏa thuận hợp tác với bên nước ngoài tiếp nhận lao động và chỉ được thực hiện sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận.
...
Theo quy định trên thì doanh nghiệp dịch vụ cần phải chuẩn bị nguồn lao động làm việc tại nước ngoài trước khi đăng ký hợp đồng cung ứng nguồn lao động.
Ngoài ra việc chuẩn bị nguồn lao động chỉ được thực hiện sau khi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận.
Chuẩn bị nguồn lao động khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội doanh nghiệp dịch vụ có bị xử phạt? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp dịch vụ cần chuẩn bị nguồn lao động làm việc tại nước ngoài như thế nào?
Theo khoản 4 Điều 18 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định về việc chuẩn bị nguồn lao động của doanh nghiệp dịch vụ như sau:
Chuẩn bị nguồn lao động
...
4. Doanh nghiệp dịch vụ thực hiện chuẩn bị nguồn lao động như sau:
a) Tổ chức sơ tuyển người lao động;
b) Trực tiếp hoặc hợp tác, liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm để bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trong trường hợp cần thiết và chỉ được thu phí đào tạo theo quy định của pháp luật.
...
Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH quy định về phương án chuẩn bị nguồn lao động làm việc tại nước ngoài đối với doanh nghiệp dịch vụ như sau:
Hồ sơ chuẩn bị nguồn lao động
...
4. Phương án chuẩn bị nguồn lao động bao gồm các nội dung sau:
a) Số lượng lao động dự kiến (tối đa bằng số lượng nêu tại điểm a khoản 2 Điều này); ngành nghề; giới tính; trình độ, kỹ năng nghề và ngoại ngữ của người lao động;
b) Phương thức chuẩn bị nguồn:
b1) Sơ tuyển (nếu có): Thời gian bắt đầu sơ tuyển, địa điểm sơ tuyển;
b2) Dự kiến bồi dưỡng kỹ năng nghề (nếu có): Thời gian (thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc), địa điểm, hình thức bồi dưỡng (trực tiếp/liên kết);
b3) Dự kiến bồi dưỡng ngoại ngữ (nếu có): Thời gian (thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc), địa điểm, hình thức bồi dưỡng (trực tiếp/liên kết).
...
Như vậy, để chuẩn bị cho nguồn lao động làm việc tại nước ngoài trước khi ký hợp đồng cung ứng nguồn lao động thì doanh nghiệp dịch vụ cần phải:
- Tổ chức sơ tuyển người lao động, đảm bảo đủ số lượng lao động theo dự kiến
- Doanh nghiệp dịch vụ trực tiếp hoặc hợp tác, liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm để bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trong trường hợp cần thiết và chỉ được thu phí đào tạo theo quy định của pháp luật:
- Dự kiến bồi dưỡng kỹ năng nghề (nếu có): Thời gian (thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc), địa điểm, hình thức bồi dưỡng (trực tiếp/liên kết);
- Dự kiến bồi dưỡng ngoại ngữ (nếu có): Thời gian (thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc), địa điểm, hình thức bồi dưỡng (trực tiếp/liên kết).
Doanh nghiệp dịch vụ chuẩn bị nguồn lao động khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị xử phạt ra sao?
Căn cứ quy định tại điểm e khoản 5 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là doanh nghiệp dịch vụ)
...
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng khi có một trong các hành vi sau đây:
...
e) Chuẩn bị nguồn lao động khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
...
13. Hình thức xử phạt bổ sung
...
d) Đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 5 Điều này;
..
Theo quy định trên, doanh nghiệp dịch vụ chuẩn bị nguồn lao động khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
Ngoài ra theo quy định tại khoản 13 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định thêm hình thức phạt bổ sung đối với doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp dịch vụ bị đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động từ 12 tháng đến 24 tháng nếu vi phạm quy định trên.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?