Chồng thay vợ nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho công ty được không?
Chồng thay vợ nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho công ty được không?
Căn cứ khoản 6 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về quyền của người lao động trong đó có quyền ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc lao động nữ được phép uỷ quyền cho chồng nộp hồ sơ hưởng thai sản cho công ty mà chỉ có quy định về việc được phép uỷ quyền cho chồng nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản trong đó thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động.
Như vậy, khi nào lao động nữ đáp ứng đủ điều kiện để có thể quay lại làm việc sau sinh trong thời hạn 45 ngày thì gửi nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, tại Công văn 361/LĐTBXH-BHXH năm 2016 về việc thực hiện chính sách theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hướng dẫn như sau: khi đã chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định của pháp luật, người lao động có thể nộp ngay hồ sơ cho người sử dụng lao động mà không phải đợi đến hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Sau khi nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có thể nộp ngay cho cơ quan bảo hiểm xã hội để giải quyết sớm quyền lợi cho người lao động.
Như vậy, khi đã có đủ hồ sơ người lao động có thể gửi cho công ty để giải quyết thai sản luôn dù chưa quay lại làm việc tại công ty. Và việc có được uỷ quyền cho chồng đi nộp thay được hay không còn phụ thuộc vào quy định, thoả thuận của công ty đó.
Chồng thay vợ nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho công ty được không?
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con gồm những gì?
Căn cứ điểm 2.2 khoản 2 Điều 4 Quy trình giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 quy định về hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ như sau:
- Trường hợp thông thường:
+ Bản sao giấy khai sinh, hoặc
+ Trích lục khai sinh, hoặc
+ Bản sao giấy chứng sinh.
- Trường hợp con chết sau khi sinh:
Ngoài hồ sơ được nêu trên còn có thêm:
+ Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao Giấy báo tử của con;
+ Trường hợp con chưa được cấp giấy chứng sinh: Sử dụng trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
- Trường hợp người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ chết sau khi sinh con:
Ngoài hồ sơ của trường hợp thông thường, còn có thêm:
+ Bản sao giấy chứng tử;
+ Hoặc trích lục khai tử của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ.
- Trường hợp người mẹ sau khi sinh hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con:
Có thêm biên bản giám định y khoa của người mẹ, người mẹ nhờ mang thai hộ.
- Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con:
Có thêm:
+ Bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;
+ Văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.
Thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ là bao lâu?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 quy định nghỉ thay sản của lao động nữ như sau:
- Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
- Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau:
Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định.
Như vậy, bình thường lao động nữ sẽ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con tổng cộng là 06 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?