Chế độ phụ cấp độc hại có bắt buộc phải ghi vào hợp đồng lao động?
Chế độ phụ cấp độc hại có bắt buộc phải ghi vào hợp đồng lao động?
Theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về chế độ nâng lương, phụ cấp và trợ cấp như sau:
Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp
Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.
Như vậy, đối với chế độ phụ cấp độc hại sẽ được bên người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của người sử dụng lao động.
Chế độ phụ cấp độc hại có bắt buộc phải ghi vào hợp đồng lao động? (Hình từ Internet)
Thời giờ làm việc đối với người lao động làm việc nặng nhọc được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Như vậy, hiện nay quy định của pháp luật lao động không quy định cụ thể về thời giờ làm việc của người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chỉ quy định người sử dụng lao động cần bảo đảm giới hạn thời gian tiếp xúc với yếu tố độc hại, nguy hiểm.
Theo đó sẽ tùy theo văn bản pháp luật chuyên ngành quy định mà người sử dụng lao động trong lĩnh vực cụ thể đó sẽ phải tuân thủ theo.
Đối với từng nhóm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có tính chất đặc biệt (như hàng không, dầu khí, đường sắt, thợ lặn, bức xạ hạt nhân...) đều có quy định riêng về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
Trước đây, theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2012 như sau:
Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Theo đó, giai đoạn từ ngày 01/5/2013 (ngày Bộ luật Lao động 2012 chính thức có hiệu lực) đến ngày 01/01/2021 (ngày Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực) thì pháp luật lao động đã cố định thời gian người lao động làm công việc nặng nhọc sẽ làm việc là không quá 6 giờ trong 01 ngày.
Ngoài ra, theo quy định Điều 68 Bộ luật Lao động 1994 như sau:
1- Thời giờ làm việc không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần, nhưng phải thông báo trước cho người lao động biết.
2- Thời giờ làm việc hàng ngày được rút ngắn từ một đến hai giờ đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh Mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.
Và theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Lao động 1994 như sau:
Những quy định của Bộ luật này được áp dụng đối với các hợp đồng lao động, thoả ước tập thể và những thoả thuận hợp pháp khác đã giao kết trước ngày Bộ luật có hiệu lực. Những thoả thuận có lợi hơn cho người lao động so với những quy định của Bộ luật này vẫn được tiếp tục thi hành. Những thoả thuận không phù hợp với những quy định của Bộ luật phải sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, giai đoạn trước ngày 01/5/2013 (ngày Bộ luật Lao động 2012 chính thức có hiệu lực), pháp luật lao động cũng không cố định cụ thể, chỉ nêu người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được rút ngắn thời giờ làm việc từ 01 đến 02 giờ so với người lao động bình thường.
Như vậy, với tính chất đặc thù công việc mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực thì việc thay đổi quy định thời giờ làm việc của người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là một điểm mới tiến bộ của Bộ luật Lao động 2019, vừa tạo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động vừa đảm bảo được quyền của người lao động
Có được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với người thử việc thuộc biên chế trả lương của cơ quan nhà nước?
Căn cứ Mục I Thông tư 07/2005/TT-BNV quy định như sau:
I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi độc hại nguy hiểm mà yếu tố độc hại nguy hiểm cao hơn bình thường chưa được tính vào hệ số lương, bao gồm:
1. Cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trả lương của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
...
Theo đó, người thử việc thuộc biên chế trả lương của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước nếu làm việc trực tiếp ở nơi độc hại nguy hiểm mà yếu tố độc hại nguy hiểm cao hơn bình thường chưa được tính vào hệ số lương thì được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?
- 6 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày 6 12 năm 2024 vẫn được hưởng nguyên lương đúng không?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?