Thực tập sinh pháp lý có được trả lương không?
Thực tập sinh pháp lý có được trả lương không?
Căn cứ Điều 93 Luật Giáo dục 2019 quy định về trách nhiệm xã hội như sau:
Trách nhiệm của xã hội
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau đây:
a) Hỗ trợ, hợp tác với nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho nhà giáo và người học tham quan, hoạt động trải nghiệm, thực tập, nghiên cứu khoa học;
b) Tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, ngăn chặn hoạt động có ảnh hưởng xấu đến người học;
c) Tạo điều kiện để công dân trong độ tuổi quy định thực hiện nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục, hoàn thành giáo dục bắt buộc để người học được vui chơi, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh;
d) Hỗ trợ các nguồn lực cho phát triển sự nghiệp giáo dục theo khả năng của mình.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm động viên toàn dân chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
3. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh có trách nhiệm phối hợp với nhà trường giáo dục, vận động thanh niên, thiếu niên và nhi đồng gương mẫu trong học tập, rèn luyện và tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục.
Theo đó việc các công ty, doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên vào thực tập là một hình thức hỗ trợ các sinh viên thực hành các kiến thức đã được học từ trường và có thể sẽ trở thành nguồn nhân sự tương lai cho doanh nghiệp.
Như vậy chỉ có quy định về việc công ty tạo điều kiện cho sinh viên được đào tạo, nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp không có nghĩa vụ bắt buộc phải trả lương cho thực tập sinh.
Do đó, việc thực tập sinh pháp lý có được trả lương hay không là tùy vào chính sách của từng công ty, thực tập sinh nên trao đổi trước khi tiến hành thực tập.
Thực tập sinh pháp lý có được trả lương không?
Thực tập sinh pháp lý phải làm những công việc gì?
Công việc của thực tập sinh pháp lý về cơ bản cũng thực hiện các công việc giống nhân viên chính thức nhưng sẽ thiên về hướng hỗ trợ cũng như có sự giám sát hướng dẫn của người phụ trách để rà soát lại công việc và tránh sai sót nghiêm trọng đáng có. Cụ thể, một thực tập sinh pháp lý có thể phải làm các công việc sau:
- Hỗ trợ các công việc hành chính cho các cộng sư và luật sư: Đây là công việc thường thấy của thực tập sinh pháp lý ở các công ty luật. Các công việc này có thể bao gồm:
+ Soạn thảo các văn bản hành chính, văn bản pháp lý đơn giản;
+ Hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho các vụ việc;
+ Hỗ trợ tìm kiếm thông tin pháp lý;
+ Hỗ trợ giải đáp thắc mắc của khách hàng;
+ Hỗ trợ các công việc khác theo sự chỉ đạo của người phụ trách.
- Hỗ trợ nghiên cứu và phân tích các vấn đề pháp lý từ sách, báo cáo, văn bản pháp luật,… Nghiên cứu quy định pháp luật, hệ thống hóa các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của công ty: Công việc này giúp thực tập sinh pháp lý hiểu rõ các quy định pháp luật hiện hành, từ đó có thể hỗ trợ tư vấn pháp lý cho khách hàng và công ty.
- Hỗ trợ tư vấn, giải quyết các vấn đề liên quan pháp lý: Đây là công việc quan trọng của thực tập sinh pháp lý, giúp họ tích lũy kinh nghiệm thực tế và rèn luyện kỹ năng tư vấn pháp lý. Các vấn đề pháp lý mà thực tập sinh pháp lý có thể được hỗ trợ xử lý bao gồm:
+ Tư vấn pháp luật cho khách hàng;
+ Giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động,...;
+ Soạn thảo các văn bản pháp lý;
+ Tham gia tố tụng tại tòa án.
- Ngoài ra, thực tập sinh pháp lý cũng có thể được tham gia các hoạt động khác như:
+ Tham dự các hội thảo, hội nghị về pháp luật;
+ Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn;
+ Thực tập tại các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ,...
Công việc của thực tập sinh pháp lý có thể khác nhau tùy thuộc vào quy mô, lĩnh vực hoạt động của công ty và trình độ, kỹ năng của thực tập sinh. Tuy nhiên, nhìn chung, các công việc này đều giúp thực tập sinh pháp lý tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Thực tập sinh pháp lý là một cơ hội tốt để các bạn sinh viên luật có thể tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các luật sư, cộng sự và rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết.
Lê Long Triều