Threads là gì? Ưu nhược điểm khi Gen Z tìm việc trên Threads là gì?
Threads là gì?
Threads hay Threads Instagram là một mạng xã hội mới được nhà Meta (công ty mẹ của Facebook, Instagram) chính thức ra mắt vào ngày 06/07/2023. Ứng dụng chuyên chia sẻ nội dung ngắn, ý tưởng dưới dạng văn bản cực thú vị. Theo như trên blog của Meta, Threads có nhiều điểm khá tương đồng với mạng xã hội Twitter khi cho phép đăng tải bài viết ngắn tối đa 500 ký tự hay video có thời lượng đến 5 phút.
Ngoài ra, người dùng có thể tương tác với các bài đăng thông qua việc nhấn nút yêu thích (like) hoặc nếu bạn tâm đắc với một quan điểm của cá nhân nào đó thì hoàn toàn có thể đăng tải lại (repost) về tường nhà của mình. Đồng thời, Threads cũng cho phép cho phép người dùng theo dõi (Follow) với người nổi tiếng, nhà sáng tạo và bạn bè qua các bài viết, trò chuyện.
Điểm thú vị cuối là Threads cho phép liên kết với tài khoản Instagram, bạn có thể tiếp tục kết nối, tương tác với những bạn bè có cùng sở thích với mình (bao gồm cả những tài khoản bạn đã theo dõi trên Instagram).
Threads là gì? Ưu nhược điểm khi Gen Z tìm việc trên Threads là gì? (Hình từ Internet)
Ưu nhược điểm khi Gen Z tìm việc trên Threads là gì?
Threads là nền tảng mạng xã hội mới. Do đó so với các nền tảng mạng xã hội lâu đời hơn, thì sự mới mẻ của Threads lại là ưu thế để người dùng thoải mái chia sẻ câu chuyện của họ, và tìm kiếm việc làm là một trong số đó.
Đa phần người tìm việc trên Threads là Gen Z mới ra trường, đang học năm cuối muốn tìm việc làm thêm, tìm nơi thực tập... Từ chỗ rủ nhau lên mảnh đất mới này để tâm sự "chữa lành" thì quay sang đăng nội dung tìm việc full time, việc bán thời gian, các job tay trái…
Vậy ưu nhược điểm khi Gen Z tìm việc trên Threads là gì?
* Ưu điểm:
- Tăng tính kết nối cá nhân và tạo dựng lòng tin: Threads là nền tảng được phát triển dựa trên những cuộc trò chuyện hai chiều thông qua các văn bản chia sẻ thân mật. Từ đó, người dùng có thể trò chuyện trực tiếp với nhà tuyển dụng. Điều này giúp giảm bớt khoảng cách khô khan thường thấy giữa ứng viên và công ty, tăng tính kết nối cá nhân và tạo dựng lòng tin cho hai bên.
- Không cần bằng cấp: Threads cho phép người tìm việc không cần phải "khoe" bằng cấp mà vẫn có thể thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng.
- Là nền tảng được người trẻ, người làm sáng tạo sử dụng nhiều nên các công việc liên quan đến sáng tạo, marketing, social media, design... sẽ được quan tâm.
* Nhược điểm:
- Thông tin sơ sài: Một số hồ sơ trên Threads có thể thiếu thông tin quan trọng, làm khó nhà tuyển dụng trong việc đánh giá ứng viên.
- Ngôn ngữ không phù hợp: Việc sử dụng ngôn ngữ không chuyên nghiệp có thể làm giảm cơ hội của ứng viên.
- Threads thường gợi ý các nội dung ngẫu nhiên và không hỗ trợ tính năng quảng cáo, vậy nên xác suất để các bài đăng tiếp cận được đúng ứng viên cần tìm sẽ thấp hơn.
- Dễ mắc bẫy lừa đảo tuyển dụng: hình thức nào hấp dẫn quá, điều gì dễ dàng quá thì luôn có mặt trái của nó. Đánh vào tâm lý muốn kiếm việc làm, kiếm tiền của ứng viên nên đã xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo tuyển dụng trên Threads.
Threads mang lại một cách tiếp cận mới mẻ và linh hoạt cho việc tìm kiếm việc làm, nhưng cũng đòi hỏi người tìm việc phải biết cách thể hiện mình một cách chuyên nghiệp và đầy đủ thông tin để tăng cơ hội được nhà tuyển dụng lựa chọn và phải thật sự cẩn thận để tránh bị lừa đảo khi tìm kiếm việc làm. Chúc bạn may mắn và thành công khi tìm việc trên Threads!
Mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng 1 | 4.680.000 | 22.500 |
Vùng 2 | 4.160.000 | 20.000 |
Vùng 3 | 3.640.000 | 17.500 |
Vùng 4 | 3.250.000 | 15.600 |
Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:
Mức lương tối thiểu
...
3. Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:
a) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
b) Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
c) Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
d) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
đ) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
e) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Theo đó, áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động theo quy định trên.
Phan Thị Huyền Trân