Tại sao luật sư lại bào chữa, bảo vệ cho kẻ xấu?
Luật sư bào chữa cho người xấu cũng là người xấu?
Nhiều người cho rằng những kẻ cướp của, giết người,... đều là người xấu và xứng đáng bị pháp luật trừng trị. Việc luật sư bào chữa cho những kẻ này đồng nghĩa với việc tán thành với hành vi phạm tội của họ.
Tuy nhiên điều này là không đúng. Luật sư bào chữa cho một bị cáo không tự động khiến cho luật sư đó trở thành một người xấu.
Theo Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư thì luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, luật sư là một trong những nghề có tính chất đặc thù và vai trò chính của họ là đại diện cho khách hàng của mình và bảo vệ quyền lợi pháp lý cho khách hàng.
Tại sao luật sư lại bào chữa cho kẻ xấu?
Tại sao luật sư lại bào chữa cho kẻ xấu?
Vì tiền?
Không hẳn tất cả các luật sư bào chữa cho kẻ xấu đều chỉ vì tiền, mặc dù đó cũng là một trong những lý do có thể xảy ra. Có nhiều lí do khác nhau mà một luật sư có thể chấp nhận bào chữa cho một bị cáo.
Quan trọng hơn nếu một luật sư chỉ vì tiền mà bào chữa, bảo vệ cho bị cáo thì nghề luật sư không thể nhận được sự tôn trọng từ mọi người, không có chỗ đứng trong xã hội. Điều này đi ngược lại với Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
Lý do vì sao luật sư lại bào chữa cho người phạm tội?
Dưới góc độ pháp lý thì một người phạm tội không được nhận định là "tốt" hay "xấu", mà những người làm luật sẽ nhìn nhận họ ở góc độ "có tội" hoặc "vô tội". Thực tế tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định:
Suy đoán vô tội
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Như vậy, không một ai được coi là người có tội khi chưa có có bản án kết tội của Tòa án.
Luật sư có trách nhiệm đảm bảo rằng các cá nhân và tổ chức là khách hàng của mình được bảo vệ quyền lợi và được xem là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội. Luật sư bào chữa cho một người bị cáo buộc không có nghĩa là họ đồng ý với hành vi của người đó. Thay vào đó, nhiệm vụ của luật sư là bảo vệ quyền lợi chính đáng cho thân chủ của mình và đảm bảo quy trình tố tụng được thực hiện một cách công bằng.
Bên cạnh đó trong quá trình điều tra và xét xử tội phạm, không thiếu các trường hợp bị xét xử oan, sai. Trong những trường hợp này, vai trò của luật sư trở nên cực kỳ quan trọng để bảo vệ quyền lợi và nghiên cứu chứng cứ để chứng minh sự vô tội của bị cáo.
Ngoài ra, việc bảo vệ quyền lợi của bị cáo không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của cá nhân đó mà còn giúp tôn vinh pháp quyền trong mắt người dân. Khi một bị cáo được bảo vệ quyền lợi của mình và được xét xử công bằng, điều này tạo ra sự tin tưởng và sự tôn trọng đối với hệ thống pháp luật.
Ngô Diễm Quỳnh