Quyền ngắt kết nối sau giờ làm việc là gì? Việt Nam có quy định về quyền ngắt kết nối không?
Quyền ngắt kết nối sau giờ làm việc là gì?
Quyền "ngắt kết nối" sau giờ làm việc là một vấn đề ngày càng được quan tâm trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và xu hướng làm việc từ xa trở nên phổ biến.
Có thể hiểu, quyền “ngắt kết nối” sau giờ làm là việc người lao động có quyền từ chối tham gia vào các hoạt động liên lạc điện tử liên quan đến công việc, như việc trả lời email, tin nhắn hay cuộc gọi ngoài giờ làm việc.
Trong thời đại số, ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân ngày càng mờ nhạt hơn, nhiều người lao động cảm thấy áp lực khi phải thường xuyên theo dõi và phản hồi các yêu cầu công việc ngay cả khi đã rời khỏi văn phòng.
Thực tế cho thấy, khi người lao động có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, họ sẽ quay lại công việc với tinh thần thoải mái hơn, góp phần nâng cao hiệu quả công việc.
Tuy nhiên, với nhiều công việc có tính chất khẩn cấp hoặc có khối lượng công việc lớn, người lao động thường không còn lựa chọn nào khác ngoài việc làm thêm giờ để giải quyết những việc còn tồn đọng.
Thậm chí, có một bộ phận người lao động cảm thấy khó khăn trong việc “ngắt kết nối” sau giờ làm việc vì áp lực công việc cấp bách hoặc lo ngại về việc bị đánh giá thấp hiệu suất làm việc.
Những lí do này dẫn đến thực trạng người lao động làm thêm giờ một cách “tự nguyện” và không có đủ căn cứ để yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho thời gian làm thêm.
Dưới góc độ của người sử dụng lao động, quyền "ngắt kết nối" của người lao động sau giờ làm việc có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và tính linh hoạt trong công việc.
Điều này đặc biệt đúng với những công việc đòi hỏi phải làm việc trực tiếp với khách hàng và đối tác ở các múi giờ khác nhau, hoặc những người làm trong các lĩnh vực đặc thù như bác sĩ, cứu hộ, và cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Nếu người lao động ngắt kết nối trong những tình huống cấp bách, cần xử lý ngay thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ lao động, vì người sử dụng lao động lúc nào cũng kỳ vọng người lao động luôn sẵn sàng để xử lý công việc nhằm duy trì hiệu quả kinh doanh.
Vì thế, việc có một quy định rõ ràng về quyền "ngắt kết nối" sẽ giúp người lao động cảm thấy được tôn trọng và bảo vệ, cho họ có thời gian khôi phục lại sự cân bằng cần thiết trong cuộc sống.
Song song với đó, để thực hiện quyền "ngắt kết nối" một cách hiệu quả thì cần có sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về các trường hợp mà người sử dụng lao động được liên lạc với người lao động khi cần thiết, việc này nhằm đảm bảo rằng quyền lợi và trách nhiệm của cả hai bên đều được tôn trọng.
Thông tin mang tính chất tham khảo.
Quyền ngắt kết nối sau giờ làm việc là gì? Việt Nam có quy định về quyền ngắt kết nối không?
Việt Nam có quy định về quyền ngắt kết nối không?
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành của nước ta chưa có quy định cụ thể về quyền “ngắt kết nối” sau giờ làm việc.
Thay vào đó, pháp luật lao động chỉ đề cập gián tiếp đến vấn đề này nhằm bảo vệ quyền nghỉ ngơi của người lao động. Cụ thể, pháp luật lao động quy định rằng người sử dụng lao động phải xác định rõ ràng thời gian làm việc bình thường, thời gian nghỉ ngơi và giờ làm thêm (nếu có) trong nội quy lao động, đồng thời người lao động có quyền nhận lương cho giờ làm thêm ngoài thời gian làm việc thông thường.
Mặc dù có những quy định này, pháp luật lao động vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng người lao động thường xuyên phải làm thêm giờ một cách không mong muốn mà còn không được trả lương. Phần lớn là các công việc cần phải theo dõi, phản hồi và đáp ứng các yêu cầu công việc ngay lập tức.
Điều này thật sự ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe và đời sống cá nhân của người lao động, khiến họ khó có thể duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng như chăm sóc gia đình.
Do đó, việc thiết lập quy định pháp luật liên quan đến quyền “ngắt kết nối” là rất cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, các quy định này cần được xây dựng theo hướng cân bằng lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động, nhằm tránh tình trạng lạm dụng từ phía người lao động, ảnh hưởng đến kỷ luật lao động và có thể gây thiệt hại cho người sử dụng lao động.
Nguyễn Tiến Khoa