Những thuật ngữ dễ nhầm lẫn mà người học luật cần lưu ý là gì?
Những thuật ngữ dễ nhầm lẫn mà người học luật cần lưu ý là gì?
Có những từ ngữ được sử dụng vô cùng thường xuyên, tuy nhiên đối với những người học luật thì họ sẽ không bao giờ sử dụng những từ ngữ này:
1/ Đầu tiên là “quân hàm” và “cấp bậc hàm”
Trên thực tế, nhiều người vẫn thường sử dụng thuật ngữ “quân hàm” khi nói về cấp hiệu trên vai áo của cả lực lượng công an và quân đội.
Tuy nhiên, đối với người học luật thì quân hàm là thuật ngữ được dùng để chỉ cấp hiệu trên vai áo, đồng thời là biểu trưng thể hiện cấp, bậc của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong khi đó, cấp bậc hàm là thuật ngữ được dùng để chỉ cấp hiệu trên vai áo và cũng là dấu hiệu để phân biệt các cấp, bậc trong lực lượng Công an nhân dân.
Tuy có nghĩa tương đối giống nhau nhưng cách gọi của 02 thuật ngữ này thì lại khác nhau.
2/ Thứ hai là “giấy đăng ký kết hôn”
Theo đó, “giấy đăng ký kết hôn” là từ vẫn thường được dùng để chỉ loại văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên, tên gọi đúng của loại giấy này phải là “giấy chứng nhận kết hôn”.
3/ Tiếp theo là “giấy xác nhận độc thân”
Tương tự, “giấy xác nhận độc thân” là từ ngữ vẫn thường được dùng để chỉ một loại giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho một cá nhân nhằm xác nhận tình trạng hôn nhân của người đó.
Tuy vậy, “giấy xác nhận tình trạng hôn nhân” mới là tên gọi đúng của loại giấy tờ này.
4/ Và cuối cùng là “bằng lái xe”
Bằng lái xe hay bằng lái là thuật ngữ được sử dụng phổ biến nhất, tuy nhiên pháp luật lại không có quy định cụ thể nào về khái niệm “bằng lái xe”, mà đây chính là tên thường dùng để gọi “giấy phép lái xe”, một loại giấy phép hoặc chứng chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho một cá nhân có đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe,..đã qua đào tạo và vượt qua kỳ thi sát hạch theo quy định để được điều khiển loại phương tiện được ghi trong giấy phép tham gia giao thông
Lưu ý: Đây chỉ là một số thuật ngữ phổ biến không phải toàn bộ, thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.
Những thuật ngữ dễ nhầm lẫn mà người học luật cần lưu ý là gì?
Giấy xác nhận độc thân dùng để làm gì?
Giấy xác nhận độc thân được dùng trong một số trường hợp sau:
- Dùng để đăng ký kết hôn:
Khi cá nhân muốn đăng ký kết hôn phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho cơ quan hộ tịch (căn cứ theo Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
- Dùng trong các giao dịch về tài sản.
Mặc dù, điều này chưa được pháp luật quy định cụ thể. Nhưng theo khoản 1 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc định đoạt tài sản chung của vợ, chồng do hai bên thỏa thuận.
Bên cạnh đó, theo khoản 2,3 Điều 23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài hoặc sử dụng vào mục đích khác và Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không có giá trị khi sử dụng vào mục đích khác với mục đích ghi trong Giấy xác nhận.
Công ty yêu cầu giấy xác nhận độc thân khi xin việc có trái luật?
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP không có quy định về việc bắt buộc có giấy xác nhân độc thân trong hồ sơ xin việc.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 11 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tuyển dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động.
2. Người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.
Như vậy, công ty có thể yêu cầu những giấy tờ khác phù hợp với điều kiện quản lý của cơ sở, yêu cầu của nhà tuyển dụng và đáp ứng các quy định khác theo pháp luật kể cả việc cần giấy xác nhận độc thân.
Do đó việc công ty yêu cầu người lao động cung cấp giấy xác nhận độc thân khi xin việc để đáp ứng nhu cầu vị trí việc làm của mình là không trái với quy định.
Lê Bửu Yến