Nhân viên KCS là ai? Kỹ năng cần thiết của nhân viên KCS gồm những gì?
Nhân viên KCS là ai?
KCS được viết tắt từ cụm Knowledge Centered Support, có nghĩa tiếng Việt là kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nhân viên KCS có nhiệm vụ đảm bảo các sản phẩm đầu ra đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chất lượng, quy trình tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ của doanh nghiệp.
Nhìn chung, nhiệm vụ của nhân viên KCS cũng tương tự như nhân viên QC - Quality Control hoặc QA - Quality Assurance hoạt động tại các doanh nghiệp sản xuất.
Nhân viên KCS là ai? Kỹ năng cần thiết của nhân viên KCS gồm những gì? (Hình từ Internet)
Công việc cụ thể của nhân viên KCS là gì?
Về cơ bản, công việc của nhân viên KCS gồm:
- Kiểm tra, đánh giá chất lượng nguyên liệu đầu vào, nhập và lưu kho: Nhân viên KCS sẽ thực hiện những công việc sau đây:
+ Kiểm soát chất lượng của nguồn hàng nhập: Tiến hành kiểm tra và phân loại những nguyên liệu không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để làm việc lại với bên nhà cung cấp.
+ Theo dõi, ghi chép số liệu, lập bảng thống kê: Lập bảng số liệu thông tin chi tiết về lô hàng nhập, bao gồm: nguồn gốc, xuất xứ, giá cả,...
- Kiểm tra chất lượng sản phẩm sản xuất ở từng công đoạn sản xuất và sản phẩm hoàn thiện: Trong giai đoạn này, nhân viên KCS sẽ thực hiện những nhiệm vụ như sau:
+ Thường xuyên theo dõi, kiểm tra quy trình sản xuất của từng công đoạn và chỉ dẫn nhân công điều chỉnh đúng theo tiêu chuẩn trong trường hợp phát hiện sai sót.
+ Theo dõi và ghi chép đầy đủ, cẩn thận các số liệu kiểm hàng.
+ Theo dõi sát sao các dây chuyền sản xuất để kiểm tra chất lượng thành phẩm, đáp ứng theo hệ thống tiêu chuẩn đánh giá của doanh nghiệp.
+ Đề xuất giải pháp xử lý kịp thời trong trường hợp thành phẩm không đạt tiêu chuẩn theo quy định.
+ Phối hợp với các bộ phận liên quan để giải quyết các sự cố, vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành sản xuất của nhà máy.
Ngoài ra, nhân viên KCS còn thực hiện một số công việc khác như:
- Chịu trách nhiệm quản lý, bảo quản các trang thiết bị, dụng cụ được sử dụng để kiểm tra chất lượng sản phẩm, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối.
- Trực tiếp giải quyết khiếu nại của khách hàng về chất lượng sản phẩm có trong đơn hàng.
- Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo sự phân công của quản lý cấp trên.
Kỹ năng cần thiết của nhân viên KCS gồm những gì?
Để trở thành một nhân viên KCS thì cần có những kỹ năng, phẩm chất cụ thể như sau:
- Có kiến thức chuyên môn:
Để ứng tuyển vào vị trí nhân viên KCS thì cần tốt nghiệp đại học các chuyên ngành liên quan đến quản trị chất lượng, quản lý sản xuất hoặc một số ngành khác có liên quan. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng yêu cầu ứng viên khi ứng tuyển vị trí KCS phải hiểu rõ về quy trình sản xuất tương ứng với từng ngành hàng. Ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc ở vị trí tương đương thì khả năng trúng tuyển sẽ khá cao.
- Khả năng chịu áp lực cao:
Phải làm việc với số lượng hàng lớn cùng yêu cầu đánh giá chất lượng phức tạp nên đòi hỏi nhân viên KCS phải có khả năng chịu áp lực cao.
- Kỹ năng giao tiếp:
Thường xuyên làm việc với các bộ phận khác, vì vậy, nhân viên KCS cần có kỹ năng giao tiếp để đạt được hiệu quả cao trong quá trình trao đổi.
- Tỉ mỉ, cẩn thận:
Là người thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm được đưa đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất, do vậy, nhân viên KCS cần có tính cẩn thận, tỉ mỉ để kiểm tra kỹ lưỡng sản phẩm, hạn chế tối đa có thể những sai sót.
- Kỹ năng ngoại ngữ:
Tùy từng lĩnh vực sẽ đòi hỏi khả năng ngoại ngữ của nhân viên KCS, tuy nhiên, có kỹ năng ngoại ngữ sẽ là một lợi thế giúp nhân viên KCS đọc hiểu nhiều tài liệu và giao tiếp trong quá trình làm việc.
- Kỹ năng tin học văn phòng:
Trong quá trình làm việc, nhân viên KCS thường xuyên sử dụng máy tính, bởi vậy, việc thành thạo các kỹ năng tin học văn phòng là một trong những yêu cầu và sẽ giúp nhân viên KCS đạt được hiệu suất, hiệu quả trong quá trình làm việc.
Đỗ Thị Tỉnh