Nhân viên bán hàng là gì? Nhân viên bán hàng phải thực hiện những công việc gì?
Nhân viên bán hàng là gì?
Nhân viên bán hàng là người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, tư vấn, giới thiệu sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp để khiến khách hàng yêu thích và thực hiện hành động mua hàng. Họ là người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, tăng số lượng lớn sản phẩm, dịch vụ tiêu thụ trong khâu tiếp thị, mang lại doanh số, lợi nhuận cho công ty.
Nhân viên bán hàng thường phải có kiến thức về sản phẩm/ dịch vụ mà họ đang bán, có khả năng giao tiếp tốt, kỹ năng thuyết phục và đàm phán, cũng như khả năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm. Các ngành nghề khác nhau có thể có các yêu cầu và trách nhiệm cụ thể cho nhân viên bán hàng, nhưng mục tiêu chung là tăng doanh số bán hàng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nhân viên bán hàng là gì? Nhân viên bán hàng phải thực hiện những công việc gì? (Hình từ Internet)
Công việc của nhân viên bán hàng là gì?
Dưới đây là bản mô tả chi tiết nhất của công việc nhân viên bán hàng để bạn dễ dàng hình dung về nhiệm vụ cần làm của công việc này.
1. Nhận và bảo quản hàng hóa, sản phẩm
- Nhân viên bán hàng sẽ tiến hành nhận hàng hóa từ nhà cung cấp và kiểm kê số lượng.
- Kiểm tra tình trạng đóng gói, chất lượng bao bì hay sản phẩm có bị lỗi không, kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm.
- Ghi chép biên bản giao, nhận hàng cẩn thận với các thông tin về số lượng hàng hóa và tình trạng hàng hóa đã nhận.
- Lập tức báo cáo với cấp trên nếu có vấn đề hàng hóa phát sinh ngoài ý muốn để đưa ra phương án giải quyết kịp thời.
- Các sản phẩm trong kho phải được bảo quản đúng cách, có phương pháp bảo quản phù hợp. Chẳng hạn, bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp, bảo quản các mặt hàng dễ vỡ,...
2. Bảo quản chất lượng hàng hóa, sản phẩm
Sau khi nhận đầy đủ hàng hóa, nhân viên bán hàng có nhiệm vụ sắp xếp, cất giữ và bảo quản sản phẩm vào trong kho. Tuy nhiên, khi sắp xếp cần lưu ý ưu tiên thứ tự hàng hóa sao cho phù hợp với các sản phẩm đang có chương trình khuyến mãi, hoặc theo yêu cầu của quản lý.
3. Sắp xếp, trưng bày hàng hóa
Hàng hóa được sắp xếp gọn gàng, khoa học và đảm bảo tính thẩm mỹ sẽ góp phần kích thích khách hàng mua hàng. Chính vì vậy, NVBH cần đảm bảo hàng hóa luôn được sắp xếp đúng vị trí, loại bỏ những sản phẩm hết hạn sử dụng và vệ sinh, lau chùi kệ hàng thường xuyên.
4. Tư vấn và bán hàng
Tư vấn và bán hàng là nhiệm vụ chính của một nhân viên bán hàng. Có rất nhiều khách hàng khi ghé cửa hàng chưa tìm hiểu kỹ sản phẩm, họ muốn mua và cần sự tư vấn từ nhân viên. Lúc này, nhân viên bán hàng sẽ giới thiệu những sản phẩm phù hợp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
5. Giải quyết những thắc mắc, khiếu nại từ khách hàng
Trong quá trình sản xuất sản phẩm có thể xảy ra sai sót dẫn đến sản phẩm bị lỗi, rách hay bẩn. Trong trường hợp này, NVBH cần bình tĩnh xem xét đó là lỗi do sản phẩm hay do người mua để đưa ra giải pháp phù hợp nhất. Tuy nhiên, khi không giải quyết được thì phải báo ngay với cấp trên để được giải quyết khiếu nại, tránh làm mất lòng khách hàng.
Đâu là những ngành học phù hợp để làm vị trí nhân viên bán hàng?
Là một vị trí đòi hỏi nhiều về những kỹ năng mềm như: giao tiếp, đàm phán, thảo luận,... cho nên có rất nhiều bạn trẻ học “trái ngành” vẫn phát triển tốt với vị trí nhân viên bán hàng vì có tố chất. Dưới đây là những ngành học mà bạn có thể chuyển hướng sang làm nhân viên bán hàng.
1. Quản trị kinh doanh
Với chuyên ngành quản trị kinh doanh, bạn sẽ có kiến thức nền tảng về quản trị doanh nghiệp, có những chiến lược kinh doanh, được tiếp cận với rất nhiều kiến thức hay và mới mẻ nhất về việc kinh doanh, bán hàng, chăm sóc khách hàng, tư vấn,... Đây là một ngành học phù hợp với vị trí NVBH mà bạn có thể tham khảo để trở thành NVBH như mong đợi.
2. Marketing
Có thể nói, Marketing là một hình thức không thể thiếu trong tất cả mọi hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các hoạt động hướng đến khách hàng nhằm thỏa mãn mong muốn của khách hàng thông qua chương trình tiếp thị sản phẩm, phát triển thương hiệu.
Marketing đào tạo hệ thống kiến thức nền tảng nghiên cứu thị trường, hướng dẫn xây dựng và phát triển thương hiệu, định giá sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện,... Tất cả những kỹ năng Marketing chuyên nghiệp đều được đào tạo, hỗ trợ cho quá trình kinh doanh và bán hàng tốt hơn.
3. Tài chính ngân hàng
Đây là nhóm ngành nghề được đào tạo về cách quản lý dòng tiền - một yếu tố bắt buộc phải có trong bất kỳ công ty nào. Sinh viên ngành tài chính - ngân hàng có nhiều điều kiện, cơ sở kiến thức nền để tiếp xúc với nghề bán hàng.
4. Ngành truyền thông, báo chí
Sinh viên được đào tạo trong nhóm ngành truyền thông, báo chí thường được trang bị đầy đủ các kỹ năng giao tiếp lưu loát, có kiến thức xã hội. Vì vậy, nhóm sinh viên ngành truyền thông, báo chí là một trong những lựa chọn phù hợp với việc bán hàng, kinh doanh.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
Đoàn Thanh Hiền