Người lao động có được nhận công việc về làm việc tại nhà không?
Người lao động có được nhận công việc về làm việc tại nhà không?
Căn cứ Điều 167 Bộ luật Lao động 2019 quy định về người lao động nhận công việc về làm tại nhà như sau:
Người lao động nhận công việc về làm tại nhà
Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nhận việc về làm tại nhà.
Như vậy, theo quy định trên không bắt buộc người lao động phải làm việc cố định thời gian ở công ty. Người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với nhau để người lao động có thể đem công việc về nhà làm.
Người lao động có được nhận công việc về làm việc tại nhà không?
Người lao động làm việc tại nhà thì có được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn lao động không?
Căn cứ Điều 69 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động nhận công việc về làm tại nhà như sau:
An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động nhận công việc về làm tại nhà
1. Người lao động khi thỏa thuận bằng văn bản với người sử dụng lao động về việc giao công việc về làm tại nhà trên cơ sở căn cứ vào việc người lao động bảo đảm được yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động đối với công việc được giao tại nhà.
2. Nếu xảy ra tai nạn lao động khi làm việc tại nhà, thì người lao động hoặc thân nhân của họ phải báo cáo ngay để người sử dụng lao động biết.
Trường hợp người bị tai nạn lao động đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được giải quyết các chính sách, chế độ liên quan đến người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật này.
Trường hợp người bị tai nạn lao động là người thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 10 Điều 38 của Luật này.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm tra việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động nhận công việc về làm tại nhà; thực hiện các cam kết trong thỏa thuận với người lao động nhận công việc về làm tại nhà; báo cáo tai nạn lao động xảy ra khi làm việc tại nhà của người lao động cùng với báo cáo chung về tai nạn lao động quy định tại Điều 36 của Luật này.
Như vậy, khi người lao động làm việc tại nhà và xảy ra tai nạn lao động thì sẽ được xử lý như sau:
Nếu xảy ra tai nạn lao động khi làm việc tại nhà, thì người lao động hoặc thân nhân của họ phải báo cáo ngay để người sử dụng lao động biết.
Nếu người bị tai nạn lao động đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được giải quyết các chính sách, chế độ liên quan đến người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định .
Nếu thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết cho người lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 10 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay đang áp dụng cho người lao động là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Mức lương tối thiểu
1. Quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
2. Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:
a) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
...
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng hiện nay là:
Mức lương tối thiểu vùng theo tháng:
- Vùng I: 4.680.000 đồng/ tháng.
- Vùng II: 4.160.000 đồng/ tháng.
- Vùng III: 3.640.000 đồng/ tháng.
- Vùng IV: 3.250.000 đồng/ tháng.
Mức lương tối thiểu vùng theo giờ:
- Vùng I: 22.500 đồng/giờ;
- Vùng II: 20.000 đồng/giờ;
- Vùng III: 17.500 đồng/giờ;
- Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.
Lê Bửu Yến