Lương tối thiểu là gì? Mức lương tối thiểu tháng hiện nay của người lao động là bao nhiêu?
Lương tối thiểu là gì?
Căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo đó, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Lương tối thiểu là gì? Mức lương tối thiểu tháng hiện nay của người lao động là bao nhiêu?
Mức lương tối thiểu tháng hiện nay của người lao động là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu tháng của các vùng hiện nay như sau:
- Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng;
- Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng;
- Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng;
- Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng.
Từ 01/7/2024, mức tăng lương tối thiểu tháng thấp nhất là bao nhiêu theo dự kiến?
Ngày 22/3/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo dự thảo, mức lương tối thiểu tháng của các vùng đã tăng lên so với mức lương tối thiểu hiện tại. Mức tăng này dự kiến được áp dụng từ 01/7/2024.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, mức lương tối thiểu tháng theo dự kiến được quy định như sau:
- Đối với vùng I: 4.960.000 đồng/tháng;
- Đối với vùng II: 4.410.000 đồng/tháng;
- Đối với vùng III: 3.860.000 đồng/tháng;
- Đối với vùng IV: 3.450.000 đồng/tháng.
Theo đó, mức lương tối thiểu tháng của các vùng từ 01/7/2024 dự kiến tăng lên 280.000 đồng/tháng đối với vùng I; 250.000 đồng/tháng đối với vùng II; 220.000 đồng/tháng đối với vùng III và 200.000 đồng/tháng đối với vùng IV.
Như vậy, mức tăng lương tối thiểu vùng thấp nhất là 200.000 đồng/tháng. Mức tăng này áp dụng với các địa bàn thuộc vùng IV.
Xem Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động: TẢI VỀ
Từ 01/7/2024, sẽ tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa dựa trên mức lương tối thiểu tháng đúng không?
Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết 104/2023/QH15 về Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2024. Trong đó, có nội dung từ ngày 1/7/2024 sẽ tiến hành cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, khi thực hiện chính sách tiền lương mới sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Việc này sẽ ảnh hưởng đến các chế độ phụ cấp có liên quan đến mức lương cơ sở, trong đó có mức hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Căn cứ khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013 hiện hành quy định:
Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
...
Trong khi đó, căn cứ khoản 1 Điều 112 Dự thảo Luật Việc làm quy định như sau:
Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
...
Theo đó, về mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa, để đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, Dự thảo Luật Việc làm đã điều chỉnh mức lương cơ sở thành mức lương tối thiểu tháng, cụ thể:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, nếu Dự thảo Luật Việc làm này được thông qua, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa được dựa trên mức lương tối thiểu tháng thay vì lương cơ sở như quy định tại Luật Việc làm 2013 hiện hành.
Đỗ Thị Tỉnh