Khái niệm giới là gì, định kiến giới là gì, ví dụ? Đặc điểm của giới và vai trò của giới là gì? Cần bảo đảm về bình đẳng giới trong lao động đúng không?
Khái niệm giới là gì, định kiến giới là gì, ví dụ?
"Giới" là một khái niệm xã hội học chỉ sự khác biệt về vai trò, thái độ, hành vi ứng xử và các giá trị giữa nam giới và nữ giới trong xã hội. Khác với "giới tính" - chỉ các đặc điểm sinh học bẩm sinh của nam và nữ, "giới" liên quan đến các yếu tố xã hội, văn hóa và lịch sử, và có thể thay đổi theo thời gian và bối cảnh.
- Ví dụ, vai trò giới có thể khác nhau giữa các nền văn hóa và thời kỳ lịch sử khác nhau. Trong một số xã hội, phụ nữ có thể đảm nhận các vai trò lãnh đạo, trong khi ở các xã hội khác, vai trò này có thể chủ yếu do nam giới đảm nhận
Định kiến giới là những quan điểm, thái độ, và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. Những định kiến này thường không phản ánh đúng thực tế và có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực, như hạn chế cơ hội phát triển của cá nhân và duy trì sự bất bình đẳng giới trong xã hội.
- Ví dụ về định kiến giới bao gồm:
+ Quan niệm rằng phụ nữ yếu đuối, thụ động và phải dựa dẫm vào nam giới.
+ Suy nghĩ rằng công việc nội trợ chỉ dành cho phụ nữ, trong khi nam giới phải đảm nhận các công việc nặng nhọc và quyết định các việc lớn trong gia đình.
Những định kiến này không chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ mà còn gây áp lực cho nam giới, hạn chế khả năng và cơ hội của cả hai giới.
Khái niệm giới là gì, định kiến giới là gì, ví dụ? Đặc điểm của giới và vai trò của giới là gì? Cần bảo đảm về bình đẳng giới trong lao động đúng không? (Hình từ Internet)
Đặc điểm của giới và vai trò của giới là gì?
Đặc điểm của giới:
- Giới là khái niệm xã hội học, chỉ sự khác biệt về vai trò, thái độ, hành vi ứng xử và các giá trị giữa nam giới và nữ giới trong xã hội.
- Giới tính là đặc điểm sinh học bẩm sinh của nam và nữ, không thay đổi theo thời gian và không gian.
Vai trò của giới:
- Vai trò sản xuất: Nam và nữ đều tham gia vào các hoạt động kinh tế, sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
- Vai trò tái sản xuất: Bao gồm các công việc liên quan đến chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái và duy trì cuộc sống gia đình.
- Vai trò cộng đồng: Tham gia vào các hoạt động xã hội, cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Vai trò giới có thể thay đổi theo thời gian và bối cảnh xã hội, và không cố định.
Chính sách của Nhà nước về lao động cần bảo đảm về bình đẳng giới đúng không?
Theo Điều 4 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì các chính sách của Nhà nước về lao động bao gồm:
- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, quản lý lao động đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh và nâng cao trách nhiệm xã hội.
- Tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động; áp dụng một số quy định của Bộ luật này đối với người làm việc không có quan hệ lao động.
- Có chính sách phát triển, phân bố nguồn nhân lực; nâng cao năng suất lao động; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; hỗ trợ duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động; ưu đãi đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Có chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung, cầu lao động.
- Thúc đẩy người lao động và người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
- Bảo đảm bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên.
Như vậy bảo đảm bình đẳng giới là một trong những chính sách quan trọng mà Nhà nước quan tâm thực hiện trong lĩnh vực lao động.
Phạm Đại Phước