Concierge là gì? Công việc của một nhân viên Concierge là gì?
Concierge là gì?
"Concierge" là nhân viên hỗ trợ khách hàng tại tiền sảnh với nhiều công việc khác nhau. Cụ thể, vị trí này chịu trách nhiệm hỗ trợ và thực hiện mọi yêu cầu của khách hàng.
Trong tiếng Pháp, "Concierge" có nghĩa là người gác cổng hoặc người phụ trách thắp nến trong cung điện. Xuất phát từ đó, conciergerie ban đầu có nghĩa là nghề gác cửa hoặc chỗ ở của người gác cửa.
Trong tiếng Anh, "Concierge" được định nghĩa là người phục vụ và cung cấp những dịch vụ theo mong muốn của khách.
Tại nhiều khách sạn lớn, đặc biệt ở châu Âu, Concierge có nhiệm vụ phục vụ riêng cho khách như xách hành lý, đăng ký trước bữa ăn, đi bỏ thư và các phục vụ riêng khác cho khách.
Concierge là gì? Công việc của một nhân viên Concierge là gì? (Hình từ Internet)
Công việc của một nhân viên Concierge là gì?
Những công việc của một nhân viên Concierge gồm:
1. Cho thuê mượn trang thiết bị:
- Tiếp nhận và giải quyết nhu cầu thuê mượn trang thiết bị của khách hàng.
- Xác định và cung cấp thông tin cho khách về các khoản phí liên quan đến việc thuê mượn trang thiết bị.
- Ghi nhận lại việc thuê mượn trang thiết bị vào sổ với những thông tin cụ thể.
2. Hỗ trợ kỹ thuật hay công nghệ thông tin:
- Tiếp nhận và giải đáp những thắc mắc, vấn đề về công nghệ thông tin hay xử lý những hư hỏng trong khách sạn như Wifi không hoạt động,...
- Cung cấp mật khẩu khi khách có nhu cầu truy cập mạng.
- Đảm bảo có một bộ dây nối và phích cắm điện để cho khách mượn khi cần.
- Có thông tin liên lạc của các chuyên gia địa phương khi khách cần sự hỗ trợ của chuyên gia.
3. Hỗ trợ tổ chức du lịch:
- Đảm bảo có bộ tài liệu về du lịch được bày trên quầy.
- Tư vấn địa điểm tham quan.
- Cung cấp thông tin về các tour.
- Hỗ trợ đặt tour.
4. Hỗ trợ sắp xếp phương tiện vận chuyển:
- Thiết lập đội ngũ taxi chuyên chở.
- Xác nhận điểm đến với tài xế và xác định trước mức giá cho khách.
- Nếu khách yêu cầu thuê xe tự lái thì liên hệ với công ty cho thuê uy tín.
- Đảm bảo truy cập được các hình thức đặt vé máy bay và có số điện thoại liên hệ của các hãng hàng không.
5. Xử lý thư và bưu kiện cho khách:
- Xác nhận xem khách có tin nhắn, thư, fax, bưu kiện có đúng đang lưu trú hay sắp lưu trú trong khách sạn không
- Để thư, bưu kiện ở nơi bảo quản thích hợp để tránh thất lạc.
- Thông báo với khách về thư, bưu kiện đến.
- Đối chiếu thông tin cá nhân trước khi giao thư hay bưu kiện cho khách.
- Chuyển tiếp thư cho khách nếu khách đã rời khách sạn và ghi việc này vào sổ công tác.
6. Sắp xếp báo thức:
- Ghi lại thời gian khách yêu cầu báo thức tại nơi quy định.
- Xác nhận với khách tên, thời gian, số phòng của khách để kiểm tra chính xác các chi tiết.
- Cài đặt báo thức cho khách vào hệ thống.
- Gọi điện thoại cho khách đúng giờ yêu cầu nếu sử dụng hệ thống báo thức thủ công hoặc chuyển yêu cầu cho tổng đài..
Tố chất để trở thành một Concierge là gì?
Để trở thành một Concierge giỏi thì cần có một số tố chất như sau:
1. Có khả năng giao tiếp tốt: Là công việc thường xuyên tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng nên khả năng giao tiếp là yếu tố không thể thiếu với một nhân viên Concierge. Khả năng giao tiếp tốt sẽ giúp Concierge dễ dàng trao đổi thông tin với khách hàng, tạo thiện cảm và thuyết phục được khách hàng.
2. Có khả năng xử lý và giải quyết vấn đề: Vì công việc thường xuyên xảy ra nhiều tình huống, sự cố bất ngờ khác nhau, đặc biệt là những vấn đề phát sinh trong quá trình phục vụ khách hàng nên Concierge cần xử lý bình tĩnh và linh hoạt đưa ra phương án giải quyết hiệu quả vấn đề.
3. Am hiểu rộng và chắc kiến thức chuyên môn: Làm việc trong lĩnh vực du lịch - khách sạn và phục vụ nên đòi hỏi các Concierge phải có sự am hiểu sâu rộng các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ khách sạn, hiểu biết về văn hóa các vùng miền, địa phương, những địa điểm du lịch,... để có thể cung cấp cho khách du lịch những thông tin hữu ích, mang đến cho họ sự trải nghiệm hài lòng trong thời gian ở tại khách sạn của mình.
4. Thông thạo ngoại ngữ: Đây là một nghề phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác nhau nên việc thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đóng vai trò quan trọng giúp Concierge có thể giao tiếp hiệu quả với nhiều đối tượng khách hàng. Từ đó, mang đến sự phục vụ tốt nhất cho khách hàng của mình.
Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.
Đỗ Thị Tỉnh