Cách viết CV xin việc đơn giản cho sinh viên năm 2023?
CV xin việc được hiểu là gì?
CV hay còn gọi là Curriculum Vitae. Đây là một tài liệu tóm tắt về quá trình học tập, kinh nghiệm làm việc và các kỹ năng của một người trong quá khứ được sử dụng trong quá trình xin việc. CV đối với sinh viên đóng vai trò vô cùng quan trọng do sinh viên thường chưa có nhiều kinh nghiệm nên cách thể hiện CV phải thật tốt để ghi điểm với nhà tuyển dụng.
CV xin việc là cách để các sinh viên thể hiện bản thân cũng có thể coi là một công cụ giúp vượt qua các đối thủ khác để có cơ hội làm việc tại một vị trí nào đó. Việc xây dựng được một bản CV chất lượng chính là tạo cho mình thêm một cơ hội giữa rất nhiều những bản CV khác.
CV chính là cầu nối giúp nhà tuyển dụng có thể tiếp cận và có những nhận xét, đánh giá ban đầu về cá nhân ứng tuyển. Nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn những CV ấn tượng, chuyên nghiệp để lựa chọn vào vòng phỏng vấn.
Cách viết CV xin việc đơn giản cho sinh viên năm 2023?
Khi viết CV xin việc sinh viên thường vấp phải những sai lầm nào?
Sinh viên ra trường đa phần đều chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên hầu hết các sinh viên mới ra trường đều sẽ gặp phải những khó khăn nhất định trong việc tạo và gửi CV cho các nhà tuyển dụng. Vì thế mà dẫn tới nhiều sai lầm mà hầu hết sinh viên nào cũng đều mắc phải như sau:
Thứ nhất là dài dòng: nhiều sinh viên cho rằng trình bày nhiều thì nhà tuyển dụng sẽ biết được nhiều thông tin hơn về mình. Tuy nhiên, trên thực tế thì một CV quá dài dòng sẽ khiến người đọc cảm thấy khó tiếp nhận thông tin, thậm chí là khó chịu.
- Do đó sinh viên mới ra trường cần viết CV ngắn gọn, súc tích đầy đủ những thông tin cá nhân, kỹ năng, kinh nghiệm trong khoảng 2 trang giấy. Khi đọc nhà tuyển dụng sẽ có thể nắm được và đánh giá được ứng viên này có phù hợp với vị trí công việc này hay không.
Thứ hai là thiếu số liệu chứng minh: thông thường nhiều sinh viên sẽ lựa chọn trình bày toàn bộ bằng văn xuôi, cố gắng thể hiện những gì mà bản thân đã đạt được bằng những từ ngữ nổi bật. Tuy nhiên, với cách này sẽ không giúp cho CV gây được ấn tượng.
- Do đó, nếu sinh viên thể hiện bằng các số liệu cụ thể sẽ khiến CV xin việc trở nên độc đáo hơn.
Lưu ý: CV phải đầy đủ số liệu, nếu thiếu số liệu thì nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn cung cấp thông tin không đầy đủ và sẽ dẫn đến CV bạn không được duyệt.
Thứ ba là lỗi font chữ: Font chữ bị lỗi cũng là một trong những vấn đề thường gặp khi viết CV của sinh viên. Việc để font lỗi khiến cho thông tin về bản thân rất khó đọc, thậm chí là sai sót. Hơn nữa việc để font chữ lỗi khiến nhà tuyển dụng có những đánh giá không tốt về ứng viên.
Lưu ý: Bên cạnh font chữ CV thì sinh viên cũng nên tránh việc thiết kế quá màu mè. Sinh viên chỉ cần thiết kế đơn giản, dễ quan sát là đã đạt yêu cầu. Tuy nhiên, cũng có thể sáng tạo CV đối với những công việc yêu cầu tính chuyên nghiệp cao.
Thứ tư là các CV cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc của một bản CV như sau:
- Kích thước CV chuẩn chỉ từ 1 - 2 trang A4.
- Cỡ chữ font chữ có sự thống nhất từ đầu đến cuối. Riêng phần chữ cho các phần danh mục nên để kích cỡ lớn hơn các phần nội dung.
- Bản CV cần được thiết kế với bố cục logic có sự sắp xếp thông tin khoa học, rõ ràng nhất.
Thứ năm là sai chính tả: đây là một lỗi rất nhỏ trong CV xin việc nhưng cũng là một lý do để nhà tuyển dụng đánh trượt ngay từ ban đầu. Việc viết đúng chính tả, ngữ pháp sẽ đánh giá được ứng viên có phải là tỉ mỉ, cẩn thận hay không. Do vậy để ghi điểm ngay từ ban đầu với nha tuyển dụng thì sinh viên cần kiểm tra trước khi gửi bản CV tới nhà tuyển dụng.
Lưu ý: Cần phải chính xác trong mục thông tin cá nhân và liên hệ.
Cách viết CV xin việc đơn giản cho sinh viên năm 2023?
CV xin việc cho sinh viên sẽ có những cách thể hiện khác do sinh viên thường chưa có nhiều kinh nghiệm như những người lao động khác. Cách viết CV cho sinh viên mới ra trường cần thể hiện đầy đủ những thông tin sau đây:
(1) Phần thông tin cá nhân:
- Thông tin cá nhân hay còn được gọi là phần giới thiệu bản thân trong bản CV. Đối với sinh viên thì cần cung cấp các thông tin có liên quan một cách trung thực. Cùng với đó cần chuẩn bị ảnh chân dung 3×4, trang phục lịch sự, chèn ảnh trên góc bên trái.
- Trong phần thông tin cá nhân cần phải liệt kê đầy đủ như: họ và tên, năm sinh, số điện thoại ,gmail liên lạc,…. Căn cứ vào những thông tin này nhà tuyển dụng sẽ liên lạc lại với sinh viên khi CV được duyệt.
(2) Phần mục tiêu nghề nghiệp:
- Mục tiêu nghề nghiệp trong CV sinh viên thì chỉ cần nhắc tới những mục tiêu ngắn hạn và những điều mà mình mong muốn học hỏi, hoàn thiện trong tương lai gần làm việc tại công ty.
- Sinh viên không nên nhắc tới những mục vượt quá khả năng của mình như trở thành: trưởng phòng Marketing, giám đốc tuyển dụng,… Bởi mới ra trường thì thường chưa có kinh nghiệm cụ thể và định hướng nghề nghiệp. Lúc này nhà tuyển dụng có thể sẽ có những đánh giá không tốt về bản thân bạn.
(3) Phần trình độ học vấn:
- Phần trình độ học vấn trong CV xin việc cần thể hiện một cách đơn giản và trung thực nhất. Người viết chỉ cần cung cấp các thông cơ sở đào tạo đã theo học.
- Ghi rõ chuyên ngành theo học, các đề tài nghiên cứu khoa học trong thời gian theo học. Lưu ý là những dự án, công trình khoa học mà bạn nêu trong CV cần phải có sự liên quan tới công việc đang ứng tuyển.
(4) Phần kinh nghiệm làm việc:
- Hiện nay, về kinh nghiệm thì đa phần sinh viên dù chưa tốt nghiệp nhưng trong thời gian học tập cũng đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công việc liên quan.
- Kinh nghiệm cần phải ghi những việc làm có liên quan tới vị trí công việc hiện tại sinh viên đang ứng tuyển để đơn vị tuyển dụng có thể đánh giá được một cách khách quan nhất về khả năng của người ứng tuyển.
- Kinh nghiệm làm việc nên nêu rõ để chứng minh khả năng của bản thân
- Trường hợp sinh viên chưa có kinh nghiệm phù hợp thì vẫn nên trình bày một cách cụ thể, không nên bỏ trống. Có thể liệt kê một số công việc làm thêm đã trải qua trong thời gian làm sinh viên: tình nguyện, phục vụ, bán hàng,… Qua công việc này sẽ cho thấy được sự linh hoạt và khả năng thích ứng trong công việc của các ứng viên.
(5) Phần thành tích, giải thưởng:
- Nếu sinh viên có các chứng chỉ, giải thưởng thì cơ hội nhận được sự đánh giá cao từ nhà tuyển dụng là rất lớn.
- Trong quá trình học tập của mình nếu đạt được những thành tích nghiên cứu, hay giải cao trong các cuộc thi. Qua những thành tích này nhà tuyển dụng sẽ có thể có được những đánh giá nhất định về người ứng tuyển.
(6) Phần sở thích cá nhân:
- Nhà tuyển dụng có thể đánh giá tính cách, sự phù hợp của ứng viên với môi trường làm việc của công ty.
- Sinh viên chỉ cần nêu một vài các sở thích đặc biệt. Hoặc có thể tìm hiểu thêm các sở thích phù hợp và phục vụ tốt cho vị trí ứng tuyển.
(7) Một số phần khác:
Bên cạnh những phần thông tin quan trọng cần có trong CV kể trên thì một CV xin việc cho sinh viên có thể bổ sung thêm một số phần như:
Phần kỹ năng làm việc: Phần này không nên liệt kê quá dài dòng. Hãy kể chọn lọc những kỹ năng có để có thể giúp ích cho công việc đang ứng tuyển. Ngoài ra có thể nêu một số chứng minh ngắn gọn cho những hoạt động, công việc đã làm được nhờ kỹ năng đó.
Người tham vấn: có thể kể tên những đơn vị có thể trực tiếp giám sát, hướng dẫn trong quá trình học tập trước đó. Điều này cũng giúp sinh viên khẳng định được mức độ trung thực của những phần đã nêu ra trước đó.
Đỗ Văn Minh