Các công việc mà sinh viên Luật có thể lựa chọn sau khi tốt nghiệp là gì?
Các công việc mà sinh viên Luật có thể lựa chọn sau khi tốt nghiệp là gì?
Sinh viên Luật có thể tham khảo để lựa chọn các công việc sau khi tốt nghiệp dưới đây:
(1) Luật sư
Công việc chính của luật sư sẽ tư vấn và đại diện pháp luật cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước tòa án trong quá trình tố tụng. Thực hiện làm rõ các vấn đề pháp luật, chỉ đạo, định hướng cho khách hàng, doanh nghiệp hoạt động và hành xử theo đúng quy định của pháp luật.
(2) Công chứng viên
Công chứng viên có trách nhiệm tư vấn và thẩm định công chứng cho khách hàng; chịu trách nhiệm soạn thảo, thẩm định hợp đồng hay các loại hồ sơ theo đúng quy định pháp luật. Họ còn là người hỗ trợ cho luật sư trong các văn bản pháp lý.
(3) Chuyên viên pháp lý
Công việc của chuyên viên pháp lý trong công ty văn phòng luật sẽ là đảm nhiệm việc giải quyết, tư vấn các vấn đề liên quan đến luật pháp cho doanh nghiệp. Họ có trách nhiệm nghiên cứu, soạn thảo và hoàn thiện các văn bản, hồ sơ pháp lý. Ngoài ra, chuyên viên pháp lý còn có trách nhiệm cập nhật các thay đổi trong quy định do cơ quan thẩm quyền ban hành.
(4) Kiểm sát viên
Kiểm sát viên (hay còn gọi Công tố viên) là người thuộc cơ quan tố tụng. Công việc chính là điều tra, truy tố, buộc tội những kẻ vi phạm pháp luật trong các vụ án hình sự và phiên tòa xét xử.
Liên quan đến các vụ án, kiểm sát viên còn tham gia điều tra, triệu tập hỏi cung bị can, người bị hại, người làm chứng và những người liên quan. Nếu kết quả điều tra không hợp lý, họ có quyền lật lại vụ án và yêu cầu điều tra lại từ đầu.
(5) Thư ký tòa án
Thư ký tòa án là người làm thư ký phiên tòa, tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định của luật tố tụng. Họ có nhiệm vụ hỗ trợ thẩm phán trong việc tiến hành các công tác liên quan tới quá trình giải quyết vụ án.
Ngoài ra, thư ký tòa án còn phụ trách kiểm tra danh sách, phổ biến nội quy của phiên tòa tới những người triệu tập. Nắm rõ lượng người tham gia, lý do vắng mặt và báo cáo với Hội đồng xét xử.
(6) Giảng viên ngành Luật
Mức lương giảng viên ngành Luật khởi điểm có thể không quá cao. Tuy nhiên tùy vào thâm niên, trình độ, kinh nghiệm, môi trường làm việc mà sẽ có sự thay đổi. Nếu giảng viên là viên chức thuộc các đơn vị giáo dục công lập thì mức lương sẽ căn cứ theo hệ số lương và lương cơ sở. Còn những giảng viên theo chế độ hợp đồng lao động thì sẽ theo thỏa thuận giữa hai bên.
(7) Thẩm phán
Đây là chức danh mơ ước của rất nhiều sinh viên ngành Luật sau khi ra trường. Thẩm phán là người chủ trì việc xét xử và điều trần các vụ án.
Quyết định quy trình thực hiện xét xử theo luật pháp và quy tắc, quyết định giam giữ bị cáo đến khi xét xử, phê duyệt lệnh bắt giữ. Vai trò của thẩm phán còn đưa ra phán quyết và giải quyết tranh chấp giữa các bên.
(8) Pháp chế doanh nghiệp
Là vị trí phổ biến tại các doanh nghiệp lớn hiện nay. Đây là người giữ vai trò tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ cơ quan quản lý, điều hành trong doanh nghiệp. Vị trí này còn thực hiện các công việc phát sinh liên quan đến pháp luật trong doanh nghiệp, tránh các sai phạm có thể xảy ra.
(9) Điều tra viên
Đây cũng là vị trí việc làm ngành Luật khá hấp dẫn. Nhìn chung, điều tra viên sẽ thực hiện các công việc điều tra nhằm thu thập chứng cứ, làm rõ tình tiết vụ án. Tiến hành tố tụng, thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của cấp trên thuộc cơ quan điều tra.
(10) Hòa giải viên
Hòa giải viên được xem như "bên thứ ba". Công việc chính bao gồm thiết lập và duy trì các mối quan hệ dân sự giữa các bên xung đột, giải quyết mọi tranh chấp bằng phương pháp hoà giải. Trong trường hợp hoà giải không hiệu quả, hòa giải viên sẽ hỗ trợ các thủ tục pháp lý cần thiết khác.
(11) Chấp hành viên
Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định. Chấp hành viên có ba ngạch là Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp.
(12) Thừa phát lại
Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự để thực hiện các công việc như:
- Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu.
- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.
Các công việc mà sinh viên Luật có thể lựa chọn sau khi tốt nghiệp là gì?
Những tố chất cần có để theo đuổi ngành Luật là gì?
Tư duy phản biện tốt
Luật là nghề đòi hỏi cần sự phân định đúng sai một cách rạch ròi. Vì thế, bạn cần có có tư duy phân tích, khả năng suy luận và phản biện tốt để đưa ra quyết định có tính chính xác và hợp tình hợp lý.
Khả năng đọc hiểu và trí nhớ tốt
Hầu hết tất cả các bộ Luật đều có nhiều điều khoản và bạn không thể lúc nào cũng mang theo tài liệu bên mình, vì vậy việc tự đọc và nghiên cứu là điều cần thiết của người làm nghề Luật.
Có niềm đam mê đọc sách
Ngoài những cuốn sách chuyên môn phải đọc, bạn cũng nên tích cực tìm đọc những cuốn sách liên quan để bổ sung kiến thức đa dạng và trau dồi kỹ năng đọc hiểu hiệu quả.
Kỹ năng thuyết phục
Ngoài kỹ năng phản biện tốt, bạn phải rèn luyện khả năng thuyết phục người khác đồng ý với mong muốn và hướng đi của mình nếu muốn thành công trong lĩnh vực pháp lý.
Khả năng giải quyết vấn đề
Làm nghề Luật đòi hỏi luôn phải đối mặt và giải quyết các vấn đề của người khác. Đối với những người bình thường, các vấn đề nan giải có thể khiến họ nản lòng. Nhưng nếu bạn luôn hào hứng với việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề và đương đầu với chúng, thì Luật chính là lĩnh vực sẽ giúp tỏa sáng.
Lê Long Triều