06 bước để trở thành một luật sư ở Việt Nam là gì?
Luật sư là ai?
Căn cứ theo Điều 2 Luật Luật sư 2006 thì:
Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Và theo Điều 3 Luật Luật sư 2006, Điều 4 Luật Luật sư 2006 quy định
Hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Các dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm:
- Tham gia tố tụng;
- Tư vấn pháp luật;
- Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng;
- Các dịch vụ pháp lý khác.
Bên cạnh đó khi hành nghề thì luật sư cần bảo đảm các nguyên tắc được quy định tại Điều 5 Luật Luật sư 2006 (Được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012) như sau:
(1) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
(2) Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
(3) Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
(4) Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
(5) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.
06 bước để trở thành một luật sư ở Việt Nam là gì?
06 bước để trở thành một luật sư ở Việt Nam là gì?
Căn cứ điều kiện trở thành luật sư nêu tại Luật Luật sư 2006 và Luật Luật sư sửa đổi 2012, con đường để trở thành luật sư ở Việt Nam như sau:
(1) Học 4 năm đại học luật
Luật sư phải là những người đã có bằng cử nhân luật. Để có bằng cử nhân luật, người đó phải học tại Trường Đại học Luật Hà Nội hoặc Trường đại học Luật - Đại học quốc gia Hà Nội hoặc khoa luật của các trường đại học khác trên cả nước, sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân.
(2) Học lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư
Sau khi có bằng cử nhân luật, người có nhu cầu trở thành luật sư phải được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.
Theo đó, để được cấp chứng chỉ này thì người này phải đăng ký tham gia khoá đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp trong thời gian 12 tháng.
(3) Tập sự tại các văn phòng, công ty luật
Khi đã hoàn thành chương trình đào tạo nghiệp vụ luật sư được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp, người có nhu cầu trở thành luật sư phải tiếp tục đăng ký tham gia tập sự tại các tổ chức hành nghề luật sư như văn phòng luật, công ty luật trong thời gian 12 tháng.
Trường hợp không thỏa thuận được với các văn phòng luật, công ty luật về việc nhận tập sự thì có thể đề nghị Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư giới thiệu nơi tập sự.
(4) Kiểm tra kết thúc tập sự
Liên đoàn luật sư Việt Nam là đơn vị tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư sẽ được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
Thông thường, kiểm tra kết thúc tập sự hành nghề luật sư gồm 02 phần: Thi viết và thi thực hành. Nội dung thi gồm các kỹ năng tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật; pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam…
Lưu ý: Người được miễn tập sự hành nghề luật sư thì không phải thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
(5) Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư
Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.
Hồ sơ để đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư hay còn gọi là thẻ luật sư gồm:
- Đơn đề nghị cấp thẻ luật sư.
- Phiếu lý lịch tư pháp.
- Giấy khám sức khoẻ.
- Bằng cử nhân luật hoặc bằng thạc sĩ luật (bản sao).
- Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư (bản sao).
(6) Sau khi có chứng chỉ hành nghề, luật sư phải đóng phí gia nhập Đoàn luật sư. Hiện các Đoàn luật sư đang duy trì mức phí khác nhau, cụ thể như phí gia nhập Đoàn luật sư Hà Nội là 10 triệu đồng…
Lê Bửu Yến