Ca làm việc có bao gồm thời gian nghỉ giữa giờ hay không?
- Ca làm việc có bao gồm thời gian nghỉ giữa giờ hay không?
- Điều kiện để thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào thời giờ làm việc là gì?
- Như thế nào là làm việc theo ca liên tục để thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào thời gian làm việc?
- Có được bố trí thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động vào thời điểm bắt đầu ca làm việc không?
Ca làm việc có bao gồm thời gian nghỉ giữa giờ hay không?
Tại khoản 1 Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định về ca làm việc và tổ chức làm việc theo ca như sau:
Ca làm việc và tổ chức làm việc theo ca
1. Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.
2. Tổ chức làm việc theo ca là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày (24 giờ liên tục).
...
Theo đó, ca làm việc bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ. Tổ chức làm việc theo ca là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày.
Ca làm việc có bao gồm thời gian nghỉ giữa giờ hay không? (Hình từ Internet)
Điều kiện để thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào thời giờ làm việc là gì?
Tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về nghỉ trong giờ làm việc như sau:
Nghỉ trong giờ làm việc
1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.
Như vậy, người lao động làm việc liên tục từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ. Còn thời gian nghỉ giữa giờ có được tính vào giờ làm việc không phụ thuộc vào người lao động có làm việc theo ca và ca liên tục không.
Chỉ khi người lao động làm việc theo ca liên tục và thời gian làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên, thì thời gian nghỉ giữa giờ mới tính vào thời gian làm việc để trả lương.
Như thế nào là làm việc theo ca liên tục để thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào thời gian làm việc?
Tại khoản 3 Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định về ca làm việc và tổ chức làm việc theo ca như sau:
Ca làm việc và tổ chức làm việc theo ca
...
3. Trường hợp làm việc theo ca liên tục để được tính nghỉ giữa giờ vào giờ làm việc quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động là trường hợp tổ chức làm việc theo ca quy định tại khoản 2 Điều này khi ca làm việc đó có đủ các điều kiện sau:
a) Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên;
b) Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.
Theo đó, trường hợp làm việc theo ca liên tục để được tính nghỉ giữa giờ vào giờ làm việc là trường hợp bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày, đồng thời ca làm việc đó có đủ các điều kiện sau:
- Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên;
- Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.
Có được bố trí thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động vào thời điểm bắt đầu ca làm việc không?
Tại Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Nghỉ trong giờ làm việc
1. Thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục theo quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động được áp dụng đối với người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 03 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm quy định tại Điều 106 của Bộ luật Lao động.
2. Thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc đối với trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định này ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.
3. Người sử dụng lao động quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc.
4. Ngoài trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định này, khuyến khích các bên thương lượng thời gian nghỉ giữa giờ tính vào giờ làm việc.
Theo đó, người sử dụng lao động quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc.
Ngoài trường hợp làm việc theo ca liên tục, nhà nước khuyến khích các bên thương lượng thời gian nghỉ giữa giờ tính vào giờ làm việc.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?