Bảo hiểm thai sản là gì? Những thay đổi cần biết từ 1/7/2025?
Bảo hiểm thai sản là gì?
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (Hết hiệu lực ngày 30/6/2025) và Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (Có hiệu lực từ 01/7/2025) thì chúng ta có thể hiểu:
Bảo hiểm thai sản là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do thai sản trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Ở Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chế độ thai sản chỉ có trong bảo hiểm xã hội bắt buộc. Có nghĩa là chỉ những ai tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và thỏa mãn được các điều kiện cần thì mới được hưởng.
Từ ngày 01/7/2025 thì bảo hiểm này cũng có trong chế độ của BHXH tự nguyện (trợ cấp thai sản). Có nghĩa là khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện mà thỏa mãn được các điều kiện cần thì đều có thể được hưởng.
Bảo hiểm thai sản là gì? (Hình từ Internet)
Những thay đổi cần biết về thai sản từ 1/7/2025?
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Thứ nhất, đối với người tham gia BHXH bắt buộc:
(1) Mở rộng đối tượng hưởng chế độ thai sản:
- Viên chức quốc phòng
- Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 có hưởng tiền lương hoặc không hưởng tiền lương;
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất;
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ.
- Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí.
- Người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau:
+ Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
+ Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019;
+ Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
(2) Điều kiện hưởng chế độ thai sản (Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024):
Bổ sung trường hợp được hưởng chế độ thai sản gồm:
- Lao động nữ mang thai hộ đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải đóng BHXH bắt buộc từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con mới được hưởng chế độ thai sản.
- Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.
(3) Tăng số ngày nghỉ việc để đi khám thai:
Từ 1/7/2025 số ngày mà mỗi lần lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tăng lên 02 ngày (tối đa) trong mọi trường hợp (Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2024) thay vì được nghỉ việc để đi khám thai mỗi lần 01 ngày như hiện nay (Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Hiện nay, lao động nữ được nghỉ việc mỗi lần 2 ngày chỉ được áp dụng khi ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường.
(4) Lao động nữ phá thai sẽ được hưởng chế độ thai sản trong mọi trường hợp:
Từ 1/7/2025 sẽ áp dụng chế độ thai sản cho mọi trường hợp phá thai (bao gồm phá thai bệnh lý và phá thai ngoài ý muốn) theo quy định tại Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Hiện nay, chỉ có trường hợp phá thai bệnh lý mới được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
(5) Thay đổi số tuần tuổi của thai để tính thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung (Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2024):
- Trường hợp được nghỉ việc 40 ngày nếu thai từ đủ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi (hiện nay là từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi);
- Trường hợp được nghĩ việc 50 ngày nếu thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên (hiện nay là từ 25 tuần tuổi trở lên).
(6) Dùng mức tham chiếu để tính trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi và mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản:
- Trước 1/7/2025:
+ Mức trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi = 2 x Mức lương cơ sở (Căn cứ theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
+ Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản = 30% x Mức lương cơ sở (Căn cứ theo Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
- Từ 1/7/2025 trở đi:
+ Mức trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi = 2 x Mức tham chiếu (Căn cứ theo Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).
+ Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản = 30% x Mức tham chiếu (Căn cứ theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).
Thứ hai, đối với người tham gia BHXH tự nguyện:
Từ 1/7/2025 người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng tiền trợ cấp thai sản (Căn cứ theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).
Mức trợ cấp thai sản là 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ (Căn cứ theo Điều 95 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).
Hiện nay, chỉ có người tham gia BHXH bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản (Căn cứ theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thai sản từ 1/7/2025?
Tại Điều 96 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có quy định như sau:
Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thai sản
Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thai sản là một trong các giấy tờ sau đây:
1. Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
2. Trường hợp thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ hoặc con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì hồ sơ là một trong các giấy tờ sau đây:
a) Bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án có thể hiện thông tin con chết;
b) Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện của lao động nữ sinh con có thể hiện thông tin con chết;
c) Bản sao giấy báo tử của con;
d) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp con chết trong vòng 24 giờ sau khi sinh.
Theo đó, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thai sản khi tham gia BHXH tự nguyện gồm những giấy tờ sau:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
- Trường hợp thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ hoặc con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì hồ sơ là một trong các giấy tờ sau đây:
+ Bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án có thể hiện thông tin con chết;
+ Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện của lao động nữ sinh con có thể hiện thông tin con chết;
+ Bản sao giấy báo tử của con;
+ Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp con chết trong vòng 24 giờ sau khi sinh.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Lương hưu tháng 12 năm 2024 chính thức chi trả bằng tiền mặt cho toàn bộ người lao động từ ngày mấy? Địa điểm nhận ở đâu?
- Bài phát biểu hay về Cựu chiến binh ngày 6 12 ngắn gọn, ý nghĩa? Cựu chiến binh có được hưởng chế độ gì không?
- Thống nhất lương hưu 2025 với mức 1, mức 2 sau đợt tăng hơn 15% dành cho người đã nghỉ hưu trước 1995 có đúng không?
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập vào ngày tháng năm nào? Tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là bao nhiêu?