Yêu cầu trưng cầu giám định trong vụ án dân sự, luật quy định thế nào?

Tôi lái xe gây tai nạn làm một người bị thương (có thiệt hại tài sản). Anh ta đã kiện đến Tòa án và yêu cầu tôi bồi thường thiệt hại và yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định. Đề nghị luật sư tư vấn, tôi phản đối việc trưng cầu giám định thì Tòa án xử lý thế nào? Khi thấy kết quả không đúng với thực tế thì tôi có thể yêu cầu giám định lại không? (Trần Hoàng - Yên Bái)

Luật gia Nguyễn Mỹ Linh - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Chúng tôi trích dẫn một số quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 để anh (chị) tham khảo, như sau: “1. Theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, những vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định. 2. Người giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định phải tiến hành giám định theo quy định của pháp luật. 3. Trong trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Thẩm phán ra quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại. Người đã thực hiện việc giám định trước đó không được thực hiện giám định lại. Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó, người quy định tại các khoản 1,2 và 3 Điều 46 của Bộ luật này không được thực hiện việc giám định” (Điều 90).

Như vậy, căn cứ theo các quy định viện dẫn ở trên, chỉ cần nhận được yêu cầu của một hoặc các bên đương sự thì Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Anh (chị) không có quyền phản đối. Khi xét thấy kết quả giám định chưa rõ ràng hoặc vi phạm pháp luật thì anh (chị) có quyền yêu cầu Thẩm phán ra quyết định giám định lại.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào