Các trường hợp được ủy quyền làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp

Tôi là giảng viên theo diện hợp đồng của một trường đại học công lập. Tôi được hưởng lương như một viên chức và tham tất cả các loại hình bảo hiểm theo quy định của Nhà nước. Vừa qua tôi sang nước ngoài học tập và có ý định định cư tại đó. Nay tôi muốn làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không thể Việt Nam được. Vậy tôi có thể ủy quyền cho bố, hoặc mẹ tôi đi làm giúp được không? – Dương Bảo Trâm (baotram***@gmail.com).

Tại Điều 49 của Luật Việc làm quy định: Người lao động quy định tại khoản 1, Điều 43 của Luật Việc làm đang đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ điều kiện sau đây:

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trừ các trường hợp, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

- Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1, Điều 43 Luật Việc làm; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 43 Luật Việc làm.

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp, thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.

Còn tại Điều 17 Nghị Định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc Làm quy định: Người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền; Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp nêu trên là ngày người được ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện đối với trường hợp gửi theo đường bưu điện.

Căn cứ vào quy định nêu trên và theo thư bạn viết, nếu chỉ đơn thuần là bạn đang ở nước ngoài không thể về Việt Nam để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bạn không thuộc một trong các trường hợp được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ được quy định tại Điều 17 Nghị Định 28/2015/NĐ-CP.

Sỹ Điền

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trợ cấp thất nghiệp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào