Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có được hưởng lương hưu?

Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có được hưởng lương hưu hàng tháng hay không?

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng quyền lợi theo chế độ hưu trí và tử tuất khi có đủ điều kiện theo quy định. Lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được miễn thuế

Điều kiện hưởng:

- Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả khi có một trong các điều kiện sau:

+ Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên;

+ Nam từ đủ 55 tuổi trở lên, nữ từ đủ 50 tuổi trở lên mà có đủ 20 năm trở lên đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên.

- Người lao động trước khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đã có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Nam đủ 50 tuổi trở lên, nữ đủ 45 tuổi trở lên;

+ Có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trở lên.

- Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 5 năm so với thời gian quy định như trên, kể cả những người đã có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên mà chưa nhận bảo hiểm xã hội một lần, có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí.

 Mức hưởng: Mức lương hưu hàng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính bằng tỷ lệ % lương hưu được hưởng nhân với mức bình quân thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó:

- Tỷ lệ % để tính lương hưu được hưởng tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đầu tiên, từ năm thứ 16 trở đi, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Đối với người nghỉ hưu trước tuổi do bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà trước đó đã có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì tỷ lệ % hưởng lương hưu sau khi tính như trên sẽ bị giảm đi 1% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

- Mức bình quân thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là bình quân các mức thu nhập tháng của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian.

- Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên, nếu lương hưu hàng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung, thì được quỹ bảo hiểm xã hội bù bằng mức lương tối thiểu chung.

- Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế theo quy định của Chính phủ.

- Người hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo.

Nguồn: Công ty Luật Vinabiz/ Nguoiduatin.vn

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào