Những trường hợp nào phải ký quỹ bảo vệ môi trường? Mục đích của việc ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất là gì?

Cho hỏi những trường hợp nào phải ký quỹ bảo vệ môi trường? Câu hỏi của anh Quang (Hải Phòng)

Những trường hợp nào phải ký quỹ bảo vệ môi trường?

Tại Điều 137 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định về ký quỹ bảo vệ môi trường như sau:

Ký quỹ bảo vệ môi trường
1. Ký quỹ bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm phục hồi môi trường, xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động dưới đây phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường:
a) Khai thác khoáng sản;
b) Chôn lấp chất thải;
c) Nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
3. Việc ký quỹ bảo vệ môi trường được thực hiện bằng tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức, cá nhân thực hiện ký quỹ như sau:
a) Tổ chức, cá nhân có hoạt động quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh;
b) Tổ chức, cá nhân có hoạt động quy định tại điểm c khoản 2 Điều này thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc tổ chức tài chính, tín dụng theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và mức ký quỹ, hình thức ký quỹ, nguyên tắc áp dụng lãi suất ký quỹ, hoàn trả ký quỹ bảo vệ môi trường.

Như vậy, tổ chức, cá nhân phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường khi có hoạt động sau:

- Khai thác khoáng sản;

- Chôn lấp chất thải;

- Nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Những trường hợp nào phải ký quỹ bảo vệ môi trường?

Những trường hợp nào phải ký quỹ bảo vệ môi trường? (Hình từ Internet)

Mục đích của việc ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất là gì?

Tại khoản 1 Điều 46 Nghị định 08/2022/NĐ-CP có quy định về ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất như sau:

Ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất
1. Mục đích và phương thức ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất:
a) Ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu;
b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch (sau đây gọi tắt là tổ chức nhận ký quỹ). Việc ký quỹ thực hiện theo từng lô hàng hoặc theo từng hợp đồng có thông tin và giá trị của lô hàng phế liệu nhập khẩu;
c) Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam và được hưởng lãi suất đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật.
.....

Như vậy, mục đích của việc ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất là nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất phải ký quỹ bao nhiêu tiền?

Tại khoản 2 Điều 46 Nghị định 08/2022/NĐ-CP có quy định về ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất như sau:

Ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất
......
2. Khoản tiền ký quỹ bảo bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất:
a) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau:
Khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
Khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau:
Khối lượng nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
Khối lượng nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
c) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Như vậy, khi nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất phải ký quỹ bảo vệ môi trường tùy thuộc vào khối lượng của lô hàng nhập khẩu.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ký quỹ bảo vệ môi trường

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào