Thủ tục khai sinh cho con ở nơi tạm trú trong nước?

Thủ tục khai sinh cho con ở nơi tạm trú trong nước như thế nào? Giấy khai sinh có ghi thông tin người đỡ đầu không? Ông, bà có trách nhiệm khai sinh cho cháu khi nào?

Thủ tục khai sinh cho con ở nơi tạm trú trong nước như thế nào?

1. Căn cứ pháp lý:

- Luật Hộ tịch 2014;

- Nghị định 123/2015/NĐ-CP;

- Thông tư 04/2020/TT-BTP;

- Luật cư trú 2020.

2. Hồ sơ:

- Tờ khai đăng ký khai sinh;

- Giấy chứng sinh (do Bệnh viện, Cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra cấp);

Nếu không có giấy chứng sinh thì phải có văn bản xác nhận của người làm chứng về việc sinh.

- Người đi đăng ký khai sinh xuất trình bản chính một trong các giấy tờ tùy thân (hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng) để chứng minh về nhân thân; giấy chứng nhận kết hôn (nếu cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn); KT3 hoặc Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ trẻ).

Lưu ý:

- Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.

- Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.

3. Phương thức nộp: trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác.

4. Cơ quan giải quyết: UBND cấp xã nơi cư trú (bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú) của người cha hoặc người mẹ.

5. Thời gian giải quyết: trong 1 ngày, trường hợp cần xác minh, không quá 05 ngày làm việc.

6. Lệ phí: Miễn phí

Thủ tục khai sinh cho con ở nơi tạm trú trong nước?

Thủ tục khai sinh cho con ở nơi tạm trú trong nước? (Hình từ Internet)

Giấy khai sinh có ghi thông tin người đỡ đầu không?

Theo khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 quy định nội dung đăng ký khai sinh gồm:

- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

Như vậy, trong giấy khai sinh không có thông tin người đỡ đầu.

Ông, bà có trách nhiệm khai sinh cho cháu khi nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định về trách nhiệm đăng ký khai sinh như sau:

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Như vậy, đối chiếu với trường hợp mà bạn đề cập thì với lý do cha, mẹ của bé không thể đăng ký khai sinh được thì tránh nhiệm tiếp theo sẽ thuộc về ông hoặc bà làm thủ tục khai sinh cho cháu.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đăng ký khai sinh

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào