Một huyện có thể thành lập nhiều Văn phòng Thừa phát lại được hay không?

Một huyện có thể thành lập nhiều Văn phòng Thừa phát lại được không? Hồ sơ thành lập Văn phòng Thừa phát lại bao gồm giấy tờ gì? Cho tôi hỏi một huyện có thể có nhiều Văn phòng Thừa phát lại không? Tôi đang muốn thành lập Văn phòng Thừa phát lại nhưng huyện tôi đã có 1 Văn phòng rồi. Khi thành lập Văn phòng Thừa phát lại thì cần phải chuẩn bị giấy tờ gì?

Một huyện có thể thành lập nhiều Văn phòng Thừa phát lại được không?

Căn cứ Khoản 1 Điều 21 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về thành lập Văn phòng Thừa phát lại như sau:

1. Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

a) Điều kiện về kinh tế - xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

b) Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

c) Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

d) Không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính huyện.

Như vậy, một huyện chỉ được phép có 01 Văn phòng Thừa phát lại hoạt động theo quy định trên.

Hồ sơ thành lập Văn phòng Thừa phát lại bao gồm giấy tờ gì?

Theo Khoản 3 Điều trên quy định như sau:

3. Căn cứ vào Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương. Trên cơ sở thông báo nêu trên của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thừa phát lại có nhu cầu thành lập Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

b) Bản thuyết minh về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu.

Theo đó, khi thành lập Văn phòng Thừa phát lại cần phải chuân bị các giấy tờ như đơn đề nghị, bản thuyết minh, bản sảo có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát theo quy định trên.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Văn phòng thừa phát lại

Phan Hồng Công Minh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào