Thủ tục chứng thực chữ ký thông thường?

Cho tôi hỏi: Thủ tục chứng thực chữ ký thông thường được thực hiện như thế nào? Hồ sơ, các bước tiến hành ra sao? Câu hỏi của anh Minh (An Giang)

Thủ tục chứng thực chữ ký thông thường?

Cơ sở pháp lý:

- Nghị định 23/2015/NĐ-CP;

- Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC;

- khoản 8 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC.

Hồ sơ chứng thực chữ ký thông thường

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy tờ chứng minh nhân thân còn giá trị sử dụng;

- Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký.

Thủ tục chứng thực chữ ký thông thường

Thủ tục chứng thực chữ ký thông thường (Hình từ Internet)

Địa điểm chứng thực chữ ký thông thường:

- Phòng tư pháp cấp Huyện;

- Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài;

- Văn phòng công chứng.

Quá trình chứng thực chữ ký thông thường.

Bước 1: Người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình hồ sơ chứng thực chữ ký.

Bước 2: Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, nếu thấy đủ hồ sơ chứng thực chữ ký, tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và việc chứng thực không thuộc các trường hợp không được chứng thực chữ ký thì yêu cầu người yêu cầu chứng thực ký trước mặt và thực hiện chứng thực như sau:

- Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định;

- Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

Lưu ý: Đối với giấy tờ, văn bản có từ (02) hai trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

Nếu việc chứng thực chữ ký tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thì công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra các giấy tờ, nếu nhận thấy người yêu cầu chứng thực có đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định 23/2015/NĐ-CP này thì đề nghị người yêu cầu chứng thực ký vào giấy tờ cần chứng thực và chuyển cho người có thẩm quyền ký chứng thực.

Thời gian chứng thực chữ ký thông thường

Sau khi nhận được yêu cầu chứng thực chữ ký thông thường và xét thấy bản chính có đầy đủ căn cứ để chứng thực thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải chứng thực chữ ký thông thường ngay.

Trường hợp không được chứng thực chữ ký

- Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực chữ ký không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

- Người yêu cầu chứng thực chữ ký xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo.

- Giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung không được chứng thực.

- Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.

Phí chứng thực chữ ký thông thường:

- Phí chứng thực chữ ký thông thường Phòng tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thu, cụ thể như sau:

Stt

Nội dung thu

Mức thu

2

Phí chứng thực chữ ký

10.000 đồng/trường hợp. Trường hợp được hiểu là một hoặc nhiều chữ ký trong cùng một giấy tờ, văn bản

- Phí chứng thực chữ ký thông thường mà văn phòng công chứng thu:

=> Phí chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản: 10 nghìn đồng/trường hợp (trường hợp hiểu là một hoặc nhiều chữ ký trong một giấy tờ, văn bản).

Trên đây là thủ tục chứng thực chữ ký thông thường.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chứng thực chữ ký

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào