Xử phạt tàu cá neo đậu trong vùng lãnh hải Việt Nam

Trường hợp tàu cá nước ngoài neo đậu trong vùng lãnh hải Việt Nam và bị Tổ tuần tra của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam bắt lại và ra quyết định xử phạt. Mong Ban biên tập tư vấn cho tôi về văn bản nào quy định thẩm quyền xử phạt của Tổ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; và hành vi trên sẽ bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Nghị định 162/2013/NĐ-CP như sau: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi dừng lại, neo đậu trái phép trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam. Theo đó hành vi neo đậu của tàu cá nước ngoài trong vùng lãnh hải Việt Nam sẽ bị xử phạt theo lĩnh vực vi phạm hành chính.

Về thẩm quyền xử phạt, căn cứ Điều 19 Thông tư 15/2019/TT-BQP (có hiệu lực từ ngày 01/07/2019), quy định:

- Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hành chính, Tổ kiểm tra, kiểm soát phải kịp thời ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm và giải thích cho người vi phạm về hành vi vi phạm, quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

- Tổ trưởng Tổ kiểm tra, kiểm soát lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt, Tổ trưởng Tổ kiểm tra, kiểm soát tiến hành lập biên bản làm việc, biên bản vi phạm, tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thu thập tài liệu, tang vật chứng theo thẩm quyền và báo cáo ngay người chỉ huy lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.

- Người chỉ huy lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc căn cứ vào tính chất vụ việc, kịp thời báo cáo người chỉ huy cấp trên có thẩm quyền để tổ chức dẫn giải tàu thuyền vi phạm, áp dụng biện pháp ngăn chặn và tiến hành các biện pháp xác minh, điều tra, kết luận vụ việc.

- Trường hợp phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, bị truy tìm thì cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam đang thi hành nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự và pháp luật về tố tụng hình sự.

Như vậy, thẩm quyền xử phạt hành vi trên sẽ thuộc Tổ trưởng Tổ kiểm tra; nếu hành vi vi phạm trên không thuộc thẩm quyền thì Tổ trưởng sẽ báo cáo lại cho cấp trên để thực hiện xử phạt.

Trên đây là nội dung tư vấn.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào